Xin Chào! Blog Hoàn Mỹ cập nhật kiến thức sức khoẻ A - Z
358 lượt xem

Ăn đậu bắp có tốt cho bà bầu không?

Đậu bắp là một loại rau củ phổ biến được nhiều người ưa chuộng bởi nó mang lại nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe. Do đó, ăn đậu bắp có tốt cho bà bầu không? là một câu hỏi được rất nhiều phụ nữ mang thai quan tâm. Thấu hiểu được điều này, bài viết dưới đây Blog sức khoẻ Hoàn Mỹ Breast Care sẽ cung cấp những thông tin giúp bạn giải đáp thắc mắc trên.

THÀNH PHẦN DINH DƯỠNG CÓ TRONG ĐẬU BẮP

Đậu bắp, hay còn được gọi với những cái tên khác như: bắp còi, gôm, mướp tây, bông vàng, bắp chà, thảo cà phê,…, có tên khoa học là Abelmoschus esculentus, là một loại rau củ có nguồn gốc từ Tây Phi. Đậu bắp có khả năng chịu nóng bức và khô hạn rất tốt nên thường được trồng ở các vùng ôn đới hay nhiệt đới, đặc biệt là ở miền Nam Hoa Kỳ. Đậu bắp cũng được trồng ở nước ta nhưng được trồng nhiều nhất ở các tỉnh miền Nam – nơi có khí hậu nóng bức quanh năm.

Đậu bắp là một loài thực vật ăn quả, có thể trồng thời vụ một năm hoặc nhiều năm. Cây đậu bắp có chiều cao lên đến 2,5m với lá dài và rộng khoảng 10 -20cm. Hoa của cây đậu bắp có đường kính 4 -8 cm với 5 cánh hoa có màu trắng hoặc vàng, phần gốc hoa thường có các đốm đỏ. Quả đậu bắp có hình dáng thuôn dài, bên trong có chứa nhiều hạt trắng nhỏ.

Ngày nay, tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, quả đậu bắp ngày càng được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi bởi mùi vị độc đáo có chất nhầy kết dính và bởi giá trị dinh dưỡng vô cùng tốt cho sức khỏe mà nó mang lại.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong 100 gram đậu bắp có chứa các thành phần dưỡng chất nổi bật sau:

  1. Calo: 33kcal
  2. Nước: 89,58g
  3. Carbohydrate: 7,45g
  4. Đường: 1,48g
  5. Protein: 1,93g
  6. Chất xơ: 3,2g
  7. Chất béo: 0,19g
  8. Thiamin (vitamin B1): 0,200mg
  9. Riboflavin (vitamin B2): 0,060mg
  10. Niacin (vitamin B3): 1mg
  11. Pyridoxine (vitamin B6): 0,215mg
  12. Axit folic (vitamin B9): 60mc
  13. Axit ascoricic (vitamin C): 23mgRetinol (vitamin A): 716U
  14. Alpha-tocopherol (vitamin E) 0,27mg
  15. Phylloquinone (vitamin K) 31,3mcg.

ĂN ĐẬU BẮP CÓ TỐT CHO BÀ BẦU KHÔNG?

Với những thành phần dinh dưỡng đa dạng và phong phú trên, các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định: ăn đậu bắp rất tốt đối với bà bầu. Quả đậu bắp đem lại cho bà bầu những lợi ích sức khỏe tuyệt vời như sau:

  • Bổ sung nguồn vitamin C dồi dào

Quả đậu bắp có chứa hàm lượng lớn vitamin C – chất có tác dụng giúp cơ thể tăng khả năng hấp thụ sắt, từ đó thúc đẩy sự phát triển da, xương và các mao mạch của thai nhi, giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm về tim mạch hoặc bệnh tiểu đường ở trẻ nhỏ trong tương lai. Bên cạnh đó, nguồn vitamin C trong đậu bắp cũng giúp mẹ bầu tăng cường sức đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh để chống lại các tác nhân gây bệnh ốm vặt.

  • Ngăn ngừa tình trạng táo bón và hỗ trợ tiêu hóa

Táo bón là một trong những hiện tượng phổ biến chị em thường gặp phải khi mang thai do sự thay đổi nội tiết tố bên trong cơ thể. Tình trạng này kéo dài có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

Để cải thiện tình trạng táo bón khi mang thai, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ bầu nên ăn những loại thực phẩm giàu chất xơ, trong đó có đậu bắp. Loại rau củ này chứa cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan rất có lợi cho sức khỏe hệ tiêu hóa của mẹ bầu.

Ngoài ra, đậu bắp còn chứa các chất nhầy giúp điều hòa sự hấp thụ thức ăn của ruột non. Bên cạnh đó, chất xơ không hòa tan có trong đậu bắp còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và kiểm soát chỉ số cholesterol trong máu.

  • Ngăn ngừa các dị tật ở thai nhi

Quả đậu bắp cung cấp cho cơ thể hàm lượng axit folic dồi dào. Đây là hoạt chất có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển hệ thống thần kinh ở trẻ. Do đó, mẹ bầu nên ăn đậu bắp thường xuyên để có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

Các chuyên gia khuyến khích thời điểm tốt nhất bà bầu nên ăn đậu bắp là khi thai nhi từ 4 tuần tuổi đến 12 tuần tuổi. Nguyên nhân là do đây là lúc các ống thần kinh của cơ thể bé bắt đầu phát triển và axit folic có trong đậu bắp sẽ hỗ trợ rất tốt cho quá trình này.

  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ

Đậu bắp có chứa các axit amin thiết yếu như tryptophan cùng với các loại dầu và protein được biết đến với tác dụng cải thiện sức khỏe tinh thần và hỗ trợ mẹ bầu dễ ngủ và ngủ ngon hơn. Nếu mẹ đang bị mất ngủ khi mang thai, mẹ có thể tham khảo bổ sung đậu bắp vào thực đơn ăn uống hàng ngày để cải thiện.

  • Giảm tình trạng mệt mỏi khi mang thai

Mang thai là khoảng thời gian phụ nữ rất dễ bị mệt mỏi vì nhiều lý do và ăn đậu bắp sẽ giúp kiểm soát vấn đề này. Nguyên nhân là do trong hạt đậu bắp có chứa các chất như polyphenol có khả năng chống lại quá trình oxy hóa và flavonoid giúp thúc đẩy sự dự trữ glycogen trong gan. Glycogen là thành phần được ví như nhiên liệu dự trữ của cơ thể. Do đó, ăn đậu bắp sẽ khiến mẹ bầu sẽ cảm thấy bớt mệt mỏi hơn so với thường ngày.

Chính nhờ những hoạt chất này mà đậu bắp được cho là có khả năng ảnh hưởng tích cực đến bệnh nhân bị trầm cảm. Do đó, việc đưa đậu bắp vào thực đơn ăn uống hàng ngày sẽ giúp bạn giảm bớt phần nào cảm giác mệt mỏi không thể giải thích được của chứng trầm cảm.

  • Hỗ trợ đào thải độc tố ra khỏi cơ thể

Lượng chất nhầy và chất xơ có trong đậu bắp sẽ giúp loại bỏ các chất độc hại ra khỏi cơ thể, giúp ổn định hàm lượng glucose trong máu. Mẹ bầu ăn đậu bắp thường xuyên cũng sẽ rất tốt cho sức khỏe của da và tóc, nhất là đối với những mẹ bị phát ban và rụng tóc khi mang thai do thay đổi nội tiết tố.

BÀ BẦU CẦN LƯU Ý GÌ KHI ĂN ĐẬU BẮP?

Khi đã biết được câu trả lời cho câu hỏi ăn đậu bắp có tốt cho bà bầu không, chị em cũng nên chú ý đến cách sử dụng để phát huy được tối đa công dụng của quả đậu bắp. Cụ thể:

  1. Mẹ có thể ăn toàn bộ quả đậu bắp mà không cần phải gọt vỏ hay bỏ hạt khi chế biến.
  2. Rửa thật kỹ đậu bắp trong nước trước khi sử dụng để loại bỏ hết bụi bẩn và tạp chất bên ngoài.
  3. Đậu bắp là loại rau củ rất phổ biến nhưng mẹ nên lựa chọn mua ở những cửa hàng, siêu thị thực phẩm sạch để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
  4. Không nên nấu quá chín kĩ đậu bắp để tránh làm mất các chất nhầy và bảo toàn chất dinh dưỡng có trong chúng.
  5. Có thể chế biến nhiều món ăn ngon khác nhau từ quả đậu bắp như: luộc, xào, nướng, chiên,… hay ép thành nước sử dụng trực tiếp.
  6. Những bà bầu có thể trạng kém, hay bị đau bụng thì nên tránh ăn quá nhiều đậu bắp bởi đây loại rau củ có tính hàn.
  7. Không nên ăn đậu bắp khi đang đói.
  8. Nên chọn những quả đậu bắp còn non và tươi, không dài quá 8cm.
  9. Sử dụng với một lượng vừa phải, không nên sử dụng quá nhiều trong một thời gian dài để tránh gặp tác dụng phụ không mong muốn.

GỢI Ý MỘT SỐ MÓN ĂN TỪ ĐẬU BẮP TỐT CHO BÀ BẦU

Đậu bắp xào thịt gà

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  1. Thịt gà: 500 gram . Mẹ nên chọn mua phần ức gà vì đây là phần thịt ít mỡ và ngon nhất khi xào.
  2. Đậu bắp: 200 gram hoặc nhiều hơn tùy sở thích.
  3. Ớt sừng: 1-2 quả
  4. Hành lá: 1-2 cây
  5. Gia vị cơ bản.

Cách chế biến:

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  1. Thịt gà rửa sạch và thái miếng kích thước vừa ăn. Nếu bạn chọn gà có xương thì hãy lọc bỏ xương và thái miếng để dễ ăn hơn và giúp món ăn ngon hơn.
  2. Rửa sạch hành lá rồi cắt riêng phần lá và phần củ. Đối với phần lá hành, cắt khúc nhỏ vừa ăn; còn phần củ bạn dùng dao chẻ đôi và đập dập.
  3. Ớt sừng rửa sạch với nước và thái lát mỏng.
  4. Đối với đậu bắp, chị em cắt bỏ đầu và đuôi, ngâm vào nước muối pha loãng khoảng 15 phút cho sạch và bớt nhớt rồi vớt ra rửa lại nhiều lần bằng nước sạch, cắt thành khúc vừa ăn.

Bước 2: Ướp thịt gà đã thái miếng với 2 muỗng hạt nêm, trộn đều và để ướp trong 30 phút cho thịt ngấm đều gia vị.

Bước 3: Bắc nồi nước lên bếp và đun sôi rồi cho đậu bắp vào chần qua khoảng 1 phút thì tắt bếp, vớt đậu bắp ra.

Bước 4: Bắc chảo lên bếp, cho một ít dầu ăn vào, chờ dầu nóng  thì cho phần hành củ đã đập dập vào phi thơm. Tiếp tục cho thịt gà vào xào chung, đảo liên tục, đều tay với lửa to khoảng 2 phút thì hạ nhỏ lửa.

Bước 5: Xào gà cho đến khi chín tới thì cho đậu bắp vào xào cùng, nêm nếm gia vị sao cho vừa miệng rồi đảo thêm 1-2 phút thì tắt bếp. Cho món đậu bắp xào thịt gà ra đĩa và thưởng thức cùng cơm nóng.

Đậu bắp nướng

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  1. Đậu bắp: 500 gram.
  2. Dầu oliu.
  3. Tiêu đen xay nhuyễn, một ít tiêu hạt và muối ăn.

Cách chế biến:

  1. Bước 1: Chị em cắt bỏ đầu và đuôi đậu bắp, ngâm vào nước muối pha loãng khoảng 15 phút cho sạch và bớt nhớt rồi vớt ra rửa lại nhiều lần bằng nước sạch.
  2. Bước 2: Xếp đậu bắp lên khay nướng và rắc một chút muối, tiêu xay và tiêu hạt lên đậu bắp.
  3. Bước 3: Xịt dầu oliu lên trên và cho vào lò nướng trong khoảng 20 – 25 phút cho đến khi lớp vỏ đậu bắp vàng đều các mặt là có thể lấy ra và thưởng thức.

Đậu bắp chiên giòn

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  1. Đậu bắp: 200 – 150 gram.
  2. Bột chiên giòn.
  3. Gia vị cơ bản.

Cách chế biến:

  1. Bước 1: Chị em cắt bỏ đầu và đuôi đậu bắp, ngâm vào nước muối pha loãng khoảng 15 phút cho sạch và bớt nhớt rồi vớt ra rửa lại nhiều lần bằng nước sạch.
  2. Bước 2: Trộn đều bột mì với nước, cho một ít hạt nêm vào khuấy đều sao cho hỗn hợp bột mịn và sền sệt là được.
  3. Bước 3: Bắc chảo lên bếp và đun sôi dầu ăn. Sau đó nhúng từng quả đậu bắp vào hỗn hợp bột vừa trộn rồi cho vào chảo dầu chiên cho đến khi chín vàng thì gắp ra đĩa. Chị em lưu ý lót lớp giấy thấm dầu ở đĩa để ráo bớt dầu và đỡ ngấy hơn. Khi ăn món đậu bắp chiên giòn, chị em có thể chấm cùng tương ớt, tương cà hoặc xì dầu để tăng thêm hương vị cho món ăn.

Blog sức khoẻ Hoàn Mỹ Breast Care hy vọng những thông tin bài viết đã chia sẻ có thể giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc “Ăn đậu bắp có tốt cho bà bầu không?”. Mọi thắc mắc về vấn đề này, bạn vui lòng để lại bình luận

NGUỒN THAM KHẢO:

+ Những tác dụng của quả đậu bắp với mẹ bầu mà bạn nên biết https://hellobacsi.com/mang-thai/cham-soc-me-bau/tac-dung-cua-qua-dau-bap/ Truy cập ngày 14/12/2019.

+ Mang thai hay ăn đậu bắp điều gì sẽ xảy ra với cơ thể? https://phunutoday.vn/mang-thai-hay-an-dau-bap-dieu-gi-se-xay-ra-voi-co-the-d205517.html Truy cập ngày 14/12/2019.

+ Bà bầu ăn quả đậu bắp: ‘Thần dược’ trị mất ngủ kéo dài trong thai kỳ https://phunusuckhoe.vn/ba-bau-an-qua-dau-bap-than-duoc-tri-mat-ngu-keo-dai-trong-thai-ky-c20a298165.html Truy cập ngày 14/12/2019.

Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Xin cám ơn!

Để lại một bình luận