Xin Chào! Blog Hoàn Mỹ cập nhật kiến thức sức khoẻ A - Z
324 lượt xem

Ăn dưa leo đắng vì sao?

Dưa leo là loại rau ăn quả phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Dưa leo tính mát, có vị ngọt. Tuy nhiên, không ít người khi ăn dưa leo lại cảm thấy đắng. Ăn dưa leo đắng vì sao?

Dưa leo là gì và giá trị dinh dưỡng của loại quả này

Dưa leo (hay dưa chuột) thuộc họ nhà bầu bí. Cây dưa leo thường mọc bò, toàn thân có lông, thân cây nhiều cành, có góc cạnh. Lá dưa leo mang cuống, hoa có màu vàng, quả thuôn dài, hình trụ, nhẵn, có thể dài từ 10 – 50 cm, màu xanh lục, lục vàng nhạt, vàng hoặc vàng nâu. Dưa leo được trồng khắp tỉnh thành phố ở nước ta, thích nghi được với nhiều loại hình khí hậu khác nhau.

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, 100 gram dưa leo có thể cung cấp:

  1. 96 gram nước
  2. 6 gram protein
  3. 12 mg vitamin C
  4. 02 mg vitamin B2
  5. 03 mg vitamin B1
  6. 3 mg sắt
  7. 12 mg canxi
  8. 15 mg ma giê
  9. 24 mg phốt pho
  10. 8% protit
  11. 3% gluxit
  12. 7% xenlulozo
  13. 5% tro

Ăn dưa leo đắng vì sao?

Ăn dưa leo đắng vì sao là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Theo các chuyên gia, sở dĩ một số quả dưa leo bị đắng khi ăn là vì chất cucurbitacin có trong cây dưa leo đã xâm nhập vào phần đầu quả nhằm bảo vệ cây khỏi sự xâm hại của các loại côn trùng.

Các chuyên gia cũng cho biết, cucurbitacin với liều lượng nhỏ có tác dụng lợi tiểu và tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu như lượng cucurbitacin trong dưa leo nhiều, dưa leo sẽ rất đắng, nếu như ăn nhiều sẽ gây ngộ độc cucurbitacin. Vậy nên khi ăn thấy dưa leo bị đắng thì nên bỏ đi.

Ăn dưa leo có lợi gì?

Giàu vitamin và khoáng chất, dưa leo là một trong những loại quả mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Nhưng lợi ích của loại quả này có thể kể đến như:

  1. Ăn dưa leo tốt cho sức khỏe tim mạch: Dưa leo chứa các chất có tác dụng làm ổn định nồng độ cholesterol trong máu, do đó hoàn toàn có lợi đối với sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, dưa leo còn giàu kali, ma giê và chất xơ giúp điều hòa, ổn định huyết áp. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, thành phần sterols có trong dưa leo có tác dụng chống oxy hóa tại động mạch.
  2. Ăn dưa leo giúp ngăn ngừa ung thư: Các vitamin có trong dưa leo như vitamin A, B, C giúp tăng cường hoạt động miễn dịch, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, nhờ đó chống lại sự tấn công từ các tác nhân có hại từ bên ngoài, hạn chế nguy cơ mắc bệnh tật và ung thư.
  3. Ăn dưa leo giúp cải thiện tâm trạng: Dưa leo là một loại thực phẩm có tác dụng tích cực đối với sức khỏe tinh thần. Dưa leo giàu các vitamin B phức hợp, bao gồm vitamin B1, B5, B7 rất có lợi đối với hệ thống thần kinh, giúp thư giãn tinh thần, giảm bớt các tác động tiêu cực do căng thẳng, mệt mỏi và lo âu hàng ngày.
  4. Ăn dưa leo giúp kích thích tiêu hóa, ngăn ngừa chứng táo bón: Dưa leo chứa nhiều nước và chất xơ, có tính mát, vị ngọt giúp cải thiện các vấn đề liên quan đến tiêu hóa như ợ nóng, đầy hơi, khó tiêu,… Chất pectin có trong dưa leo giúp kích thích đi ngoài, hạn chế tình trạng táo bón. Ngoài ra, ăn dưa leo còn giúp tăng cường lợi khuẩn sống trong đường ruột, giúp bảo vệ, nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa.
  5. Ăn dưa leo giúp cải thiện chứng hôi miệng: Nghiên cứu cho thấy, chất phytochemicals có trong dưa leo có tác dụng làm sạch, khử mùi hôi miệng đáng kể. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy ăn dưa leo có tác dụng làm dịu tình trạng viêm bên trong khoang miệng.
  6. Ăn dưa leo giúp giảm cân: Ăn dưa leo có tác dụng giảm cân an toàn nhờ ít calo nhưng là nguồn giàu chất xơ và các dưỡng chất. Chất xơ là thành phần giúp bạn có cảm giác no lâu hơn, giúp cơ thể hấp thụ ít calo hơn từ những thực phẩm khác.
  7. Ăn dưa leo giúp làm đẹp: Ăn dưa leo thường xuyên có tác dụng làm mượt tóc, sáng bóng móng tay móng chân nhờ chứa thành phần silica tự nhiên. Bên canh đó, nó cũng là thành phần giúp dưỡng da, kích thích tái tạo tế bào da mới.

Theo y học cổ truyền, dưa leo có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu. Không chỉ làm thực phẩm, dưa leo còn được làm thuốc trong các trường hợp bị sốt nhẹ, đau bụng, thống phong, tạng khớp, bệnh sởi, nhiễm trực khuẩn ecoli. Dưa leo còn được dùng ngoài có tác dụng trị ngứa, nấm ngoài da,…

Cách chọn dưa leo ngon

  1. Chú ý về hình dạng của dưa leo: Nên chọn những quả dưa leo có hình dáng thon dài, thẳng, đều nhau tăm tắp. Khi cầm lên thì thấy chắc tay. Tránh chọn những loại quả có phần bụng phình to nhưng đầu và đuôi nhỏ. Không nên chọn những quả cỡ quá to hoặc quá nhỏ vì chúng có thể bị đắng.
  2. Chú ý tới phần vỏ của dưa leo: Chọn dưa leo có phần vỏ nguyên vẹn, không có bất kỳ vết thâm đen nào hay bị ố vàng. Chọn quả bên ngoài còn phủ một lớp phấn trắng, có những nốt sần nhỏ ở trên thân.
  3. Quan sát tới phần cuống dưa leo: Phần đầu của quả dưa leo còn cuống, tươi, phần đuôi còn núm hoa chưa rụng thì là dưa non, khi ăn vào sẽ ngọt hơn những loại còn lại.
  4. Chú ý tới màu sắc của dưa leo: Theo khuyến cáo, nên chọn quả dưa leo xanh đều màu. Không nên chọn những quả màu vàng nhạt hay màu xanh quá đậm.

Cách bảo quản dưa leo

+ Bảo quản dưa leo trong ngăn mát tủ lạnh

Dưa leo cần được rửa sạch sau khi mua về, sau đó để ráo nước. Tiếp đến dùng giấy ăn hoặc là giấy báo bọc kín từng quả dưa leo. Sau đó cho vào túi hoặc hộp đựng thực phẩm rồi cho vào ngăn mát của tủ lạnh để bảo quản.

Trong quá trình bảo quản, không nên đặt quả dưa leo bên cạnh các loại quả như bơ, cà chua, chuối đã chín vì chúng sẽ phát tán chất ethylene có thể khiến cho dưa leo nhanh bị hỏng.

Không nên bảo quản dưa leo ở nhiệt độ dưới 10 độ C vì khi để ở nhiệt độ thấp sẽ khiến dưa bị mất đi độ giòn. Khi bảo quản bằng phương pháp này, dưa leo có thể giữ được độ tươi ngon tối đa trong tủ lạnh khoảng 1 đến 2 tuần.

+ Bảo quản dưa leo trong nhiệt độ thường

Trong nhiệt độ thường, dưa leo có thể được bảo quản bằng cách để ở những nơi khô mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Người dân nên dùng giấy ăn hoặc giấy báo bọc kín lấy quả dưa leo để giữ độ ẩm và độ tươi lâu hơn cho dưa leo.

+ Cách bảo quản dưa leo đã được cắt lát

Với những trái dưa leo đã tiến hành gọt bỏ vỏ và thái lát, bạn có thể xếp chúng vào hộp đựng thực phẩm rồi phủ lên đó một lớp khăn giấy lên phía trên bề mặt dưa chuột sau đó đậy nắp kín lại và cho vào tủ lạnh. Với phương pháp này, bạn có thể bảo quản dưa leo đã cắt lát từ 3 đến 4 ngày.

Những đối tượng nào không nên ăn dưa leo?

Một số đối tượng dưới đây bác sĩ khuyến cáo không nên ăn dưa leo.

  1. Dưa leo không phù hợp với những người bị suy thận bởi loại quả này có chứa nhiều kali có thể gây ảnh hưởng tới chức năng thận. Đặc biệt, ăn nhiều dưa leo cũng cũng khiến cho lượng kali trong cơ thể tăng lên, ảnh hưởng không tốt tới hệ tim mạch.
  2. Những đối tượng đang bị viêm xoang hoặc các bệnh liên quan tới đường hô hấp cũng nên hạn chế ăn dưa leo vì chúng có thể khiến triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
  3. Dưa leo cũng không thích hợp với những người có cơ địa dị ứng. Những người dị ứng với dưa leo thường có biểu hiện ngứa, sưng ở trong miệng. Nếu như bạn bị dị ứng dưa leo, thay vì ăn sống thì bạn nên tiến hành nấu chín.

Những thực phẩm kỵ với dưa leo

Các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên ăn dưa leo kèm theo các loại thực phẩm dưới đây.

  1. – Dưa leo với các loại thực phẩm giàu vitamin C: Dưa leo có chứa loại men có khả năng phân giải vitamin C. Do đó, không nên ăn kèm dưa leo với các loại thực phẩm giàu vitamin C như cà chua, cam, chanh, quýt,… Vì nếu ăn cùng với nhau sẽ làm giảm hàm lượng vitamin C cung cấp cho cơ thể.
  2. – Dưa leo với nấm: Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì nấm là thực phẩm cung cấp hàm lượng nước dồi dào cho cơ thể, chứa nhiều chất dinh dưỡng, giàu vitamin nhóm B, D,… và chất xơ. Tuy nhiên, khi ăn dưa leo cùng với nấm sẽ không tốt vì có thể làm giảm hàm lượng dưỡng chất có trong cả 2 loại thực phẩm.
  3. – Dưa leo với đậu phộng: Ăn dưa leo với đậu phộng có thể làm tăng nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy,… đặc biệt ở những người có sức khỏe hệ tiêu hóa không tốt.
  4. – Dưa leo với cải bó xôi: Cải bó xôi không nên ăn kèm với dưa leo vì một số hợp chất của hai loại rau này khi kết hợp với nhau có thể gây ra một số chất gây hại tới sức khỏe tiêu hóa.

Cách ăn dưa leo không bị đắng

Để làm giảm việc ăn phải dưa leo bị đắng, các chuyên gia đưa ra các gợi ý sau:

  1. Cách thứ nhất: Bạn tiến hành cắt bỏ đi 2 đầu của quả dưa leo, sau đó chà xát thật mạnh vào hai đầu theo hình vòng tròn cho đến khi nào xuất hiện lớp bọt có màu trắng sữa. Khi phần bọt trắng sữa này được loại bỏ thì tức là chất gây đắng trong quả dưa leo sẽ không còn nữa.
  2. Cách thứ hai: Bạn tiến hành cắt dưa leo thành hai nửa theo chiều dọc. Sau đó, bạn rắc thêm chút muối vào mặt của nửa quả dưa leo, chà xát chúng vào với nhau cho đến khi bọt trắng xuất hiện. Rửa sạch dưa leo với nước và thưởng thức, bạn sẽ không còn lo ăn dưa leo bị đắng nữa.

Trên đây là giải đáp ăn dưa leo đắng vì sao cùng những kiến thức bổ ích, thú vị về loại quả này. Nếu bạn có thắc mắc về sức khỏe cần được bác sĩ tư vấn, đừng ngần ngại để lại bình luận

NGUỒN THAM KHẢO:

+ Ăn dưa chuột đắng có sao không? https://khoahocdoisong.vn/an-dua-chuot-dang-co-sao-khong-103088.html Truy cập ngày 14/12/2019.

+ Tại sao dưa chuột đôi khi lại bị đắng? Cách khắc phục khi dưa chuột bị đắng https://soha.vn/tai-sao-dua-chuot-doi-khi-lai-bi-dang-cach-khac-phuc-khi-dua-chuot-bi-dang-20180624084128418.htm Truy cập ngày 14/12/2019.

+ Có nên ăn dưa leo ruột bị đắng? https://vnexpress.net/khoa-hoc/co-nen-an-dua-leo-ruot-bi-dang-3970050.html Truy cập ngày 14/12/2019.

+ Vì sao có những trái dưa leo bị đắng? https://vnexpress.net/khoa-hoc/vi-sao-co-nhung-trai-dua-leo-bi-dang-3959823.html Truy cập ngày 14/12/2019.

Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Xin cám ơn!

Để lại một bình luận