Xin Chào! Blog Hoàn Mỹ cập nhật kiến thức sức khoẻ A - Z
429 lượt xem

Ăn mít có mất sữa không?

Mít là loại trái cây được nhiều người yêu thích bởi vị ngon ngọt và hương thơm đặc trưng quyến rũ. Tuy nhiên, dân gian thường quan niệm mít là loại quả nóng nên có thể làm ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ sau sinh. Vậy thực hư như thế nào? Ăn mít có mất sữa không? Hãy cùng Blog sức khoẻ Hoàn Mỹ Breast Care tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT VỀ TRÁI MÍT

Mít có tên khoa học là Artocarpus heterophyllus, là loại thực vật ăn quả thuộc họ Dâu tằm (Moraceae), được cho là có nguồn gốc từ Ấn Độ và mọc phổ biến ở vùng Đông Nam Á và Brazil. Cây mít thuộc loại cây thân gỗ nhỡ, có chiều cao khoảng từ 8 đến 15m. Trái mít được biết đến là loại trái cây lớn nhất trong các loài thảo mộc. Trái mít khá lớn, có hình bầu dục, kích thước khoảng 30 – 60cm x 20 -30cm. Bên ngoài trái mít là lớp vỏ xù xì, có gai nhỏ nhưng bên trong là những múi mít vàng ươm, ngon ngọt và thơm nức mũi. Mỗi năm, mít thường ra quả vào khoảng giữa mùa xuân và chín vào cuối mùa hè (tháng 7, tháng 8).

Ở Việt Nam, mít được trồng chủ yếu ở các vùng nông thôn. Mít có nhiều loại phổ biến có thể kể đến như: mít mật, mít dai, mít tố nữ, mít thái,…

Mít là loại trái cây giàu dinh dưỡng và mang lại cho con người vô số tác dụng sức khỏe tuyệt vời. Theo nghiên cứu của Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA), trong 100g thịt mít có chứa:

  1. 157 calo,
  2. 1g chất béo
  3. 38g carbohydrate
  4. 8g protein
  5. 2,5g chất xơ.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng so với các loại trái cây khác, hàm lượng protein của mít là tương đối cao – chỉ thấp hơn các loại đậu. Bên cạnh đó, quả mít còn có khả năng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng khác cho cơ thể như: vitamin C, kali, canxi và sắt. Ngoài ra, trong quả mít còn chứa hàm lượng lớn vitamin B6, niacin, riboflavin và axit folic – những khoáng chất thiết yếu có tác dụng tốt với hệ thần kinh.

Với những chất dinh dưỡng đa dạng, phong phú, mít mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe con người như:

  1. Giúp tăng cường hệ miễn dịch
  2. Phòng ngừa bệnh ung thư
  3. Thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa
  4. Duy trì sức khỏe cho đôi mắt và làn da
  5. Bảo vệ xương chắc khỏe
  6. Hỗ trợ điều trị chứng cao huyết áp
  7. Cải thiện tình trạng thiếu máu.

ĂN MÍT CÓ MẤT SỮA KHÔNG?

Trao đổi về vấn đề này, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết: Hiện nay chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh việc ăn mít sẽ làm mất sữa. Thực tế, phần lá mít và trái mít non còn có tác dụng lợi sữa và chữa tắc tia sữa hiệu quả. Các mẹ sau sinh mổ hay sinh thường đều có thể yên tâm ăn mít mà không lo ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ. Đặc biệt, đối với những mẹ đang bị tắc sữa thì mít non và những món ăn từ mít non có thể giúp mẹ cải thiện tình trạng này.

Ngoài ăn mít chín tự nhiên, mẹ có thể tham khảo hai món ăn đơn giản từ mít non giúp mẹ lợi sữa, gọi sữa về nhanh, nhiều và có giá trị dinh dưỡng cao, đồng thời, giúp thực đơn ở cữ của mẹ thêm đa dạng, phong phú. Cụ thể:

+ Mít non nấu giò heo

  1. Chị em thái mít non thành những miếng dày khoảng 1cm, rửa sạch cho hết mủ mít và để ráo nước.
  2. Giò heo cạo sạch lông, rửa sạch và ướp gia vị hành, tiêu, muối theo sở thích.
  3. Bắc nồi lên bếp, cho một chút dầu ăn vào đun nóng, sau đó cho giò heo vào và đảo cho săn lại rồi đổ nước vào. Đun cho đến khi nước sôi thì cho mít non đã sơ chế vào đảo đều.
  4. Tiếp tục đun nhỏ lửa cho đến khi cả mít và giò heo đều chín mềm thì tắt bếp, cho một chút hành lá lên trên.
  5. Múc ra bát và thưởng thức với cơm nóng.

+ Canh mít non

  1. Mít non chị em rửa sạch cho hết mủ rồi thái mỏng và xé nhỏ. Đối với tôm, chị em lột vỏ, bỏ đầu đuôi và rút chỉ ở sống lưng rồi rửa sạch. Sau đó giã nhỏ và ướp gia vị. Rau ngót chị em rửa sạch rồi để ráo nước.
  2. Bắc nồi lên bếp, cho một ít dầu ăn vào đun nóng và phi thơm hành rồi cho tôm vào xào săn. Đổ nước vào nồi với một lượng vừa đủ ăn. Cho mít non đã sơ chế vào đun cùng cho đến khi mít chín mềm thì cho rau ngót vào. Nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn và đun đến khi nước sôi thì tắt bếp

MẸ SAU SINH ĂN MÍT CÓ LỢI ÍCH GÌ?

+ Cung cấp nguồn năng lượng dồi dào

Sau khi sinh, cơ thể mẹ thường yếu hơn nên cần bổ sung một hàm lượng dinh dưỡng cao. Mẹ sau sinh ăn mít có thể được hấp thụ một nguồn năng lượng dồi dào giúp hồi phục cơ thể và đảm bảo lượng sữa đầy đủ cho con bú. Bên cạnh đó, ăn mít sau sinh giúp mẹ tăng cường hệ thống miễn dịch, nâng cao sức đề kháng, nhất là đối với những mẹ có sức đề kháng kém, dễ bị mắc bệnh.

+ Cải thiện tình trạng mất máu sau sinh

Mít chín chứa hàm lượng khoáng chất dồi dào, phong phú như: sắt, magie, canxi, phốt pho… Đặc biệt, hàm lượng chất sắt có trong mít  sẽ thúc đẩy quá trình tái tạo máu giúp cơ thể mẹ hồi phục sau sinh nhanh chóng. Do đó, mẹ bỉm có thể thêm mít vào thực đơn ăn uống sau sinh để bổ sung lượng máu đã mất, đồng thời kích thích dòng máu lưu thông.

+ Tốt cho hệ tiêu hóa của cả mẹ và bé

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mẹ ăn mít sau sinh sẽ đem lại lợi ích tuyệt vời cho cả hệ tiêu hóa của mẹ và của bé. Hệ tiêu hóa của mẹ sau khi sinh sẽ bị yếu đi, trong khi đó, mít cung cấp nguồn chất xơ dồi dào có tác dụng nhuận tràng. Ngoài ra, mít có chứa các loại đường đơn như fructose và sucrose – loại đường có khả năng tăng dự trữ năng lượng và tiếp thêm năng lượng trực tiếp cho cơ thể. Nhờ đó có thể giúp mẹ cải thiện hệ tiêu hóa và em bé hấp thụ chất dinh dưỡng thông qua sữa mẹ cũng sẽ có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

+ Ngăn ngừa tình trạng đau nhức xương khớp sau sinh

Sau khi sinh em bé, cơ thể mẹ sẽ yếu đi, đồng thời, mẹ thường ít vận động nên xương khớp sẽ bị cứng và mẹ dễ gặp phải tình trạng đau nhức, gây khó chịu, mệt mỏi.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng việc mẹ sau sinh ăn mít một cách khoa học sẽ giúp khắc phục tình trạng này. Nguyên nhân là do trong mít có chứa hàm lượng magie tương đối cao, có khả năng tăng cường quá trình hấp thụ canxi để giúp xương chắc khỏe, không bị nhức mỏi, tê cứng.

Bên cạnh việc ăn mít, mẹ cũng nên bổ sung thêm sắt và canxi có trong các loại thực phẩm khác như: thịt, cá, hải sản… để đạt được hiệu quả sức khỏe cao nhất.

MẸ SAU SINH BAO LÂU CÓ THỂ ĂN MÍT?

Thông thường, sau khi trải qua quá trình “vượt cạn”, mẹ thường phải mất khoảng 1 – 2 tuần để cơ thể hồi phục tùy vào cơ địa. Đối với các mẹ sau sinh mổ sẽ mất nhiều thời gian để hồi phục hơn, khoảng hơn 6 tuần.

Chính vì vậy, để cơ thể hấp thụ được tốt nhất các giá trị dinh dưỡng có trong mít, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mẹ sau sinh thường có thể ăn mít sau khoảng 1-2 tuần, còn mẹ sau sinh mổ nên đợi khoảng 1-2 tháng cho cơ thể hồi phục hẳn rồi mới ăn.

Khi cơ thể mẹ dần hồi phục, các cơ quan nội tạng như hệ tiêu hóa có thể hoạt động trơn tru, ổn định trở lại. Do đó, việc mẹ sau sinh ăn các sản phẩm nhiều vitamin và khoáng chất như mít cũng dễ tiêu hóa hơn. Nếu mẹ sau sinh ăn mít quá sớm có thể sẽ dẫn đến tình trạng: khó tiêu, đầy bụng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

MẸ SAU SINH ĂN MÍT NHƯ THẾ NÀO ĐỂ TỐT CHO SỨC KHỎE?

Mặc dù ăn mít tốt cho cơ thể mẹ sau sinh, nhưng để đảm bảo an toàn nhất cho sức khỏe cũng như ngăn ngừa các rủi ro không mong muốn,   các mẹ cần lưu ý một số điều sau:

  1. Những mẹ bỉm mắc bệnh gan nhiễm mỡ, đái tháo đường hoặc cơ địa quá yếu thì nên hạn chế ăn mít chín. Nguyên nhân là bởi lượng đường trong mít khá cao có thể dễ đến hiện tượng tăng đường huyết, nóng trong và từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
  2. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng thời điểm thích hợp nhất mẹ sau sinh nên ăn mít là sau khi ăn cơm khoảng 1 – 2 tiếng. Bên cạnh đó, mẹ bỉm sữa không nên ăn mít vào lúc chiều tối bởi đây là thời điểm cơ thể cần nghỉ ngơi, do đó, việc ăn loại trái cây giàu dinh dưỡng như mít sẽ khiến cơ thể không giải phóng được nhiều năng lượng, gây đầy bụng, khó tiêu.
  3. Mẹ sau sinh nên bổ sung mít cùng những loại trái cây khác để có thể tăng cường vitamin, nước, chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón, giúp co bóp tử cung để đẩy sản dịch ra ngoài, đồng thời hỗ trợ “gọi sữa” hiệu quả. Ngoài mít, các loại quả được chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ sau sinh nên dùng là: chuối, bưởi, đu đủ chín, bơ, dưa hấu, hồng xiêm, táo, vú sữa, thanh long, nho,…
  4. Khi bổ sung mít sau sinh, các mẹ chỉ nên ăn với một lượng vừa phải khoảng 60 -80g/ngày. Đồng thời chia đều ra, không nên ăn quá nhiều 1 lúc hay nhiều lần trong tuần vì có thể gặp phải hiện tượng nóng trong, ảnh hưởng xấu đến nguồn sữa mẹ và khiến em bé bị nổi rôm sảy, ngứa ngáy.
  5. Nếu mẹ đã từng bị dị ứng mít trước đây thì cũng không nên dùng loại quả này để tránh làm bệnh trầm trọng hơn, tác động tiêu cực đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
  6. Những mẹ có cơ địa nóng trong, dễ nổi mụn nhọt nên hạn chế ăn nhiều mít, thay vào đó nên uống đủ lượng nước, ăn nhiều rau xanh cần thiết mỗi ngày.
  7. Mẹ nên lựa chọn ăn những trái mít tươi chín cây tự nhiên, tránh ăn mít chín ép bởi những hóa chất này rất độc hại đối với sức khỏe.

Trên đây là những thông tin cụ thể giúp bạn giải đáp thắc mắc ăn mít có mất sữa không?. Blog sức khoẻ Hoàn Mỹ Breast Care hy vọng hữu ích với bạn đọc. Mọi thắc mắc về vấn đề này, bạn vui lòng để lại bình luận.

NGUỒN THAM KHẢO:

+ Món ăn từ quả mít non giúp lợi sữa sau sinh https://suckhoedoisong.vn/mon-an-tu-qua-mit-non-giup-loi-sua-sau-sinh-n65022.html Truy cập ngày 14/12/2019.

Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Xin cám ơn!

Để lại một bình luận