Bí ngô có tốt cho người mắc bệnh tiểu đường? Đối với người mắc bệnh này, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp người bệnh ổn định mức đường huyết.
Tìm hiểu giá trị dinh dưỡng và lợi ích của quả bí ngô
Bí ngô hay bí đỏ được nhiều gia đình người Việt ưa chuộng nhờ dễ chế biến và giàu dinh dưỡng. Bí ngô có tên khoa học là Cucurbita pepo, thuộc họ nhà bầu. Cây bí ngô thường mọc lan trên mặt đất, quả có phần thịt màu vàng, giàu dinh dưỡng.
Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, một bát nhỏ bí ngô được nấu chín có thể cung cấp:
- 49 calorie
- 2 gram lipid
- 2 gram protein
- 12 gram carbohydrate
- 3 gram chất xơ
- 245% nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày vitamin A
- 19% nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày vitamin C
- 16% nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày kali
- 11% nhu cầu dinh dưỡng chất đồng
- 11% nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày mangan
- 11% nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày vitamin B2
- 10% nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày vitamin E
- 8% nhu cầu dinh dưỡng chất sắt
Những lợi ích của việc ăn bí ngô có thể kể đến là:
- Bí ngô giúp giảm nguy cơ ung thư: Bí ngô giàu các chất chống oxy hóa có thể kể đến như alpha-carotene, beta-carotene, beta-cryptoxanthin,… giúp ngăn chặn các gốc tự do gây hư hại các tế bào. Nhờ đó, ăn bí ngô thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ ung thư. Các nghiên cứu cho thấy, nguy cơ ung thư ruột kết giảm 26%, ung thư gan giảm 32%, ung thư phổi giảm 15%,… ở những người ăn bí ngô thường xuyên.
- Ăn bí ngô giúp cải thiện hoạt động của hệ miễn dịch: Nghiên cứu cho thấy, trong bí ngô chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi giúp tăng cường sức khỏe của hệ thống miễn dịch. Cụ thể, bí ngô có chứa hàm lượng cao beta-carotene, một dẫn xuất của vitamin A (được cơ thể chuyển hoá thành vitamin A khi vào cơ thể). Vitamin A đã được chứng mình giúp tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại tình trạng nhiễm trùng. Đặc biệt, bí ngô cũng giàu vitamin C làm tăng sản xuất tế bào bạch cầu để chống lại sự xâm hại của các tác nhân từ môi trường bên ngoài.
- Ăn bí ngô có lợi cho sức khỏe của mắt: Ăn bí ngô có thể giúp cải thiện thị lực. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, hàm lượng cao chất beta-carotene từ quả bí ngô có thể giúp cơ thể chuyển hóa thành vitamin A để cải thiện thị lực. Bí ngô còn được tìm thấy là nguồn giúp cung cấp lutein và zeaxanthin. Hai chất này có tác dụng làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi và bệnh đục thủy tinh thể. Hàm lượng vitamin C và E trong bí ngô giúp ngăn chặn các gốc tự do gây tổn hại cho các tế bào của mắt.
- Ăn bí ngô có thể giúp hỗ trợ giảm cân một cách hiệu quả: Bí ngô là loại quả có hàm lượng calo rất thấp nhưng lại giàu dinh dưỡng. Theo các nhà nghiên cứu, một chén bí ngô nấu chín có thể bổ sung 49 calo với 94% là nước. Do đó, bí ngô là một trong các thực phẩm rất tốt cho những người đang có ý định giảm cân. Với hàm lượng cao chất xơ, ăn bí ngô sẽ giúp bạn cảm thấy no lâu hơn cũng như làm giảm cảm giác thèm ăn vặt. Qua đó, bạn sẽ kiểm soát tốt hơn lượng calo nạp vào.
- Ăn bí ngô tốt cho sức khỏe tim mạch: Thường xuyên ăn bí ngô có thể giúp cải thiện hoạt động của hệ thống tim mạch. Điều này có được nhờ loại quả này giàu hàm lượng về kali, vitamin C cũng như chất xơ. Các chất này đều có lợi cho tim. Chứa nhiều các chất chống oxy hóa, ăn bí ngô có thể giúp làm giảm lượng cholestorl “xấu” LDL, nhờ đó làm giảm nguy cơ hình thành các mảng bám trong lòng động mạch gây ảnh hưởng tới quá trình lưu thông máu.
- Ăn bí ngô giúp cải thiện sức khỏe làn da: Các carotenoid, chẳng hạn như beta-carotene được cơ thể chuyển hoá thành vitamin A rất có lợi cho sức khỏe làn da. Cụ thể, chúng sẽ giúp bảo vệ các tế bào da chống lại những tác hại gây ra từ tia UV trong ánh nắng mặt trời. Bí ngô còn giàu vitamin C. Vitamin này rất cần thiết giúp giữ cho làn da trở nên khỏe mạnh hơn.
Bí ngô có tốt cho người mắc tiểu đường?
Là thực phẩm giàu sức khỏe, không ít người thắc mắc bí ngô có tốt cho người mắc tiểu đường? Theo các bác sĩ, tiểu đường (hay đái tháo đường) là một bệnh lý liên quan tới sự rối loạn chuyển hóa của cơ thể với biểu hiện đặc trưng lượng đường ở trong máu luôn cao hơn so với bình thường. Điều này xảy ra do cơ thể bị thiếu hụt hormone insulin, do cơ thể kháng lại insulin hoặc cả hai gây ra các rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ cũng như chất khoáng.
Theo các bác sĩ, để biết được một thực phẩm có tốt cho người mắc tiểu đường hay không sẽ cần xét qua 2 phương diện là tải lượng đường huyết và chỉ số đường huyết.
- Tải lượng đường huyết (hay GL) là chỉ số xếp hạng cho các loại thực phẩm giàu carbohydrate. Chỉ số này sẽ cho chúng ta biết được số lượng carbohydrate trong một khẩu phần thức ăn cũng như mức độ mà loại thức ăn đó có thể ảnh hưởng đến mức lượng đường trong máu. Thang đo của tải lượng đường huyết là từ thang 0 cho đến 10.
- Chỉ số đường huyết (hay GI) là một chỉ số cho biết mức độ một loại thực phẩm có thể khiến cho mức đường huyết tăng cao như thế nào. Trên thực tế, nếu như chỉ số đường huyết càng cao thì loại thực phẩm đấy có thể gây ra sự gia tăng đột biến lượng đường trong máu càng lớn. Thang đo chỉ số đường huyết được đánh giá từ 0 đến 100.
Theo các nhà nghiên cứu, quả bí ngô có chỉ số đường huyết GI ở mức cao, 75 điểm, nhưng tải lượng đường huyết GL lại thấp, ở mức 3. Kết quả này chỉ ra rằng, ăn một lượng bí ngô hợp lý, không ăn quá nhiều, vào cùng một thời điểm sẽ không ảnh hưởng gì cả.
Đặc biệt, việc cho bí ngô vào chế độ dinh dưỡng có thể mang đến một số lợi ích cho người mắc bệnh tiểu đường. Nghiên cứu gần đây cho thấy một số hợp chất có trong bí ngô có thể thúc đẩy sản xuất insulin tự nhiên trong cơ thể. Một nghiên cứu khác, chỉ ra rằng hai hợp chất có trong bí ngô là trigonelline và axit nicotinic giúp hạ đường huyết và phòng ngừa nguy cơ bệnh đái tháo đường.
Tóm lại, ăn bí ngô hoàn toàn có lợi cho những người mắc tiểu đường nếu ăn một lượng vừa phải và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Một số món ăn ngon được làm từ bí ngô
- Cháo bí ngô nấu tôm
Nguyên liệu chuẩn bị gồm có 100 gram bí ngô, 100 gram tôm, 50 gram gạo tẻ, 50 gram gạo nếp, gia vị vừa đủ dùng.
Cách thực hiện món cháo bí ngô nấu tôm như sau:
– Bước 1: Các bạn tiến hành rửa sạch phần gạo nếp và gạo tẻ, ngâm nước trong khoảng từ 1 đến 2 tiếng.
– Bước 2: Bí ngô tiến hành gọt sạch phần vỏ, không lấy ruột và hạt, thái kiểu hạt lựu.
– Bước 3: Hầm bí ngô cùng với gạo nếp và gạo tẻ.
– Bước 4: Tiến hành làm sạch tôm, bóc vỏ, băm nhỏ hoặc là xay nhuyễn.
– Bước 5: Phi hành cho thơm rồi đổ tôm vào đảo nhanh, nêm gia vị.
– Bước 6: Đổ tôm vào nồi cháo bí đỏ, đun khoảng 20 phút, nêm gia vị vừa đủ dùng sau đó tắt bếp và múc ra bát thưởng thức.
- Chè bí ngô đậu xanh
Nguyên liệu làm chè bí ngô đậu xanh gồm 600 gram bí ngô, 200 gram đậu xanh cà vỏ, 150 gram gạo nếp, đường, nước cốt dừa.
Cách thực hiện chè bí ngô đậu xanh như sau:
– Bước 1: Tiến hành gọt bỏ phần vỏ bí ngô, nạo bỏ đi phần ruột và hạt.
– Bước 2: Cắt bí ngô thành các miếng vừa ăn.
– Bước 3: Tiến hành rửa sạch đậu xanh cùng gạo nếp, ngâm trong nước trong thời gian từ 1 – 2 giờ.
– Bước 4: Thực hiện đun sôi đậu xanh cùng với gạo nếp trước khoảng 15 phút sau đó đổ thêm bí đỏ vào.
– Bước 5: Khi chè sôi lên thì cho nước cốt dừa vào, cho đường vừa đủ. Để nhỏ lửa, đun tiếp khoảng 20 phút rồi tắt bếp.
- Món súp bí ngô thịt bò
Nguyên liệu làm món súp bí ngô thịt bò gồm có 50 gram thịt bò, 40 gram bí đỏ, hành tây, rau mùi, Nước hầm xương, bơ, gia vị vừa đủ dùng.
Cách thực hiện như sau:
– Bước 1: Thịt bò tiến hành xay nhỏ, phần bí ngô gọt đi vỏ, thái miếng bé, xay nhỏ. Hành tây cũng xắt nhỏ.
– Bước 2: Bắc chảo, cho bơ vào đun nóng, thêm hành tây xắt nhỏ vào, xào thơm lên.
– Bước 3: Đổ phần thịt bò vào xào cùng với hành tây, sau đó cho thêm bí ngô vào xào cùng.
– Bước 4: Bắc nồi, tiến hành cho nước xương hầm vào đun lên, đổ phần thịt đã xào ban nãy vào, để lửa nhỏ.
– Bước 5: Đun trong khoảng 15-20 phút thì hạ bếp, múc ra bát và để rau mùi lên trên và thưởng thức.
Lưu ý khi ăn bí ngô
- Bí ngô không nên bảo quản trong tủ lạnh vì có thể sinh ra các chất khi ăn vào gây hại tới sức khỏe.
- Không nên ăn bí ngô quá 2 bữa/tuần. Theo các chuyên gia, trong bí ngô có chứa rất nhiều các dẫn xuất của vitamin A. Nếu ăn quá nhiều sẽ gây dư vitamin A, chất này cũng sẽ bị dự trữ ở gan và dưới da, khiến cho da có màu vàng.
- Không nên ăn bí ngô để lâu vì chúng có chứa hàm lượng đường cao. Hơn nữa, do để trong thời gian dài sẽ xảy ra quá trình hô hấp kỵ khí – lên men và biến chất gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Bí ngô có hàm lượng chất xơ cao nên người bị rối loạn tiêu hóa nên tránh
Trên đây là giải đáp bí ngô có tốt cho người mắc bệnh tiểu đường. Nếu bạn có thắc mắc khác liên quan tới sức khỏe cần được tư vấn miễn phí bởi bác sĩ có chuyên môn, đừng ngần ngại để lại bình luận.
NGUỒN THAM KHẢO:
+ Pumpkin, raw https://fdc.nal.usda.gov/fdc-app.html#/food-details/168448/nutrients Truy cập ngày 08/01/2020.
Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Xin cám ơn!