Mang thai là quãng thời gian mà mẹ bầu cần phải cẩn trọng hơn trong mọi vấn đề nhằm đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho em bé. Do đó mà có rất nhiều chị em cảm thấy lo lắng, băn khoăn việc có thai 3 tuần uống thuốc kháng sinh hay chụp X – quang có sao không? Có gây nguy hiểm đến thai nhi hay không? Ở bài viết dưới đây, blog sức khoẻ Hoàn Mỹ Breast Care sẽ giúp các bạn giải đáp băn khoăn này !
TẠI SAO MẸ BẦU CẦN KIÊNG CỮ KHI MANG THAI ?
Trong quá trình mang thai, tất cả những thói quen, chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng của mẹ bầu đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Chính vì vậy, trong thời gian này, người mẹ cần phải hết sức cẩn trọng trong mọi hoạt động để phòng ngừa tối đa những rủi ro có thể xảy ra với mình và em bé trong bụng. Đặc biệt, các mẹ cần phải tìm hiểu kỹ những điều cần kiêng kỵ khi mang thai để tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Từ đó, có được một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.
CÓ THAI 3 TUẦN UỐNG THUỐC KHÁNG SINH HOẶC CHỤP X – QUANG CÓ SAO KHÔNG ?
- Đối với việc sử dụng thuốc kháng sinh:
So với lúc trước khi mang thai, cơ thể của mẹ bầu sẽ nhạy cảm hơn, đặc biệt là sức đề kháng bị suy yếu hơn rất nhiều nên rất dễ mắc các bệnh viêm nhiễm. Sử dụng thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị phổ biến và hiệu quả nhất đối với các bệnh lý nhiễm trùng từ nhẹ đến nặng do vi khuẩn gây ra. Để đảm bảo an toàn cho thai nhi, tốt nhất là các mẹ không nên sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian mang thai 3 tháng đầu.
Khi bắt buộc phải sử dụng thuốc thì các mẹ bầu cần phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể. Chỉ có bác sĩ mới có thể cân nhắc giữa lợi ích của sức khỏe người mẹ và mức độ ảnh hưởng đến thai nhi để lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất.
Trong trường hợp được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh, các thai phụ cần phải tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, uống thuốc đúng liều lượng và đủ thời gian. Tuyệt đối không được tự ý tăng/ giảm liều hoặc ngừng thuốc giữa chừng sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh, khiến bệnh dễ bị tái phát, thậm chí dẫn đến tình trạng kháng thuốc.
- Đối với việc chụp X – quang:
Chụp X – quang là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được áp dụng phổ biến trong việc khám chữa bệnh. Tuy nhiên, có nhiều mẹ bầu lo ngại về những ảnh hưởng mà tia X có thể gây ra đối với thai nhi. Vậy có thai 3 tuần chụp X – quang có sao không ?
Theo một số nghiên cứu được thực hiện bởi các hiệp hội danh tiếng như Hiệp hội X-quang Hoa Kỳ, thì tia X bình thường được dùng để chẩn đoán bệnh sẽ không đủ độ phóng xạ để gây ảnh hưởng đến thai nhi hoặc phôi thai đang phát triển. Tuy nhiên, để đảm bảo sự an toàn cho thai nhi, đồng thời tránh tâm lý hoang mang, lo lắng, các mẹ bầu cần thông báo cụ thể cho bác sĩ về tình trạng mang thai hoặc nghi ngờ mang thai của bản thân trước khi chụp X – quang. Khi đó, các bác sĩ sẽ cân nhắc liệu việc chụp X – quang ở thời điểm này có gây ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng hay không.
Mặc dù tia X với mức độ bức xạ thấp sẽ ít gây hại đến thai nhi nhưng các bác sĩ vẫn hạn chế tối đa việc chụp X – quang cho thai phụ và chỉ tiến hành sau khi sinh để giảm thiểu tối đa mọi nguy cơ gây ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thai phụ buộc phải chụp X-quang để chẩn đoán bệnh, thì các bác sĩ sẽ lựa chọn loại tia X phù hợp và hạn chế việc chụp X-quang vùng bụng.
NHỮNG ĐIỀU CẦN KIÊNG CỮ KHI MANG BẦU
Để có một thai kỳ an toàn và suôn sẻ, các mẹ bầu cần phải kiêng cữ một số việc dưới đây:
+ Kiêng cữ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày:
- Hạn chế việc cúi gập người thường xuyên để tránh bị choáng, chóng mặt do quá trình lưu thông máu bị ảnh hưởng.
- Tránh làm việc quá sức, nặng nhọc hay ngồi làm việc, đứng quá lâu một chỗ. Thay vào đó, các bạn nên đứng lên vận động nhẹ nhàng sau mỗi giờ làm việc để tinh thần được thoải mái, đồng thời cải thiện quá trình lưu thông máu.
- Tránh vận động mạnh hay khiêng vác vật nặng để tránh gây tổn thương cho vùng bụng và thai nhi.
- Trong những tháng đầu mang thai, thai nhi sẽ rất nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ của cơ thể mẹ. Chính vì vậy, những hoạt động như tắm bồn hay xông hơi có thể sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể và tình trạng này kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai.
- Không tiếp xúc với các loại hóa chất: Khi mang thai, mẹ bầu không nên nhuộm tóc, sơn móng tay, móng chân. Việc tiếp xúc với các loại hóa chất từ thuốc nhuộm tóc, thuốc sơn móng tay sẽ có thể tác động lên đường hô hấp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.
+ Kiêng cữ trong đời sống tình dục:
Khi mang thai, mẹ bầu tuy vẫn có thể sinh hoạt tình dục bình thường nhưng cần chú ý quan hệ an toàn, tránh các động tác mạnh bạo, thực hiện các tư thế quan hệ lạ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ. Đây là giai đoạn nhạy cảm nên việc kiêng cữ sinh hoạt vợ chồng khi mang thai là vô cùng cần thiết để giúp phòng tránh các nguy cơ sảy thai, sinh non, xuất huyết âm đạo,…
KHI MANG THAI KHÔNG NÊN ĂN GÌ ?
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học trong quá trình mang thai đóng một vai trò vô cùng quan trọng, giúp đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, bên cạnh những thực phẩm cần bổ sung thì mẹ bầu cũng cần kiêng một số loại thực phẩm dưới đây bởi chúng có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng thai kỳ nguy hiểm:
- Hải sản: Hải sản có chứa rất nhiều protein, tuy nhiên một số loại cá có hàm lượng thủy ngân cao như cá thu vua, cá đồng, cá ngừ, cá kiếm, cá kình,…,. Việc dung nạp quá nhiều thủy ngân vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thần kinh và trí não của thai nhi.
- Thực phẩm chứa nhiều đường: Trong quá trình mang thai, chức năng thải đường ở thận sẽ bị suy giảm. Nếu ăn nhiều đồ ngọt thì sẽ làm cho mức đường trong máu tăng cao, thận làm việc quá sức và không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, một số nghiên cứu khoa học cho thấy, việc hấp thụ quá nhiều đường sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể, từ đó khiến thai phụ dễ mắc bệnh và nhiễm virus. Tuy nhiên, các thai phụ vẫn có thể sử dụng 1 lượng đường vừa phải theo nhu cầu hàng ngày của cơ thể.
- Thức ăn quá mặn: Tỷ lệ tăng huyết áp có liên quan đến lượng muối tiêu thụ hàng ngày. Vì vậy, nếu thai phụ ăn đồ ăn quá mặn thì sẽ có nguy cơ cao bị tăng huyết áp – đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nhiễm độc thai nghén trong 3 tháng cuối của thai kỳ.
- Các món ăn sống tái: Bò bít tết, thịt cá còn tái sống, chưa được nấu chín kỹ sẽ có thể chứa các vi khuẩn gây hại như: Salmonella, toxoplasmosis, coliform,…, khiến các mẹ bầu bị ngộ độc thực phẩm nếu ăn phải.
- Gan động vật: Gan động vật là thực phẩm giàu sắt và vitamin A. Tuy nhiên, trong quá trình mang thai, thai phụ đã được bổ sung sắt và vitamin A từ các viên uống tổng hợp. Do đó, nếu ăn nhiều gan động vật thì sẽ khiến cơ thể bị dư thừa sắt và vitamin A, gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi, thậm chí là dẫn đến nguy cơ dị dạng thai nhi.
- Sữa và các chế phẩm từ sữa không được tiệt trùng: Các loại sữa này sẽ có chứa vi khuẩn Listeria gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của thai nhi.
NHỮNG VIỆC NÊN LÀM KHI MANG THAI ĐỂ TỐT CHO CON, KHỎE CHO MẸ
Có được 1 thai kỳ khỏe mạnh, thai nhi phát triển tốt nhất là mong muốn chung của mọi mẹ bầu. Để đạt được điều này, các mẹ cần thực hiện những điều dưới đây:
- Uống đầy đủ nước
Các mẹ bầu cần uống từ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày. Tùy vào từng giai đoạn của thai kỳ mà lượng nước cần bổ sung sẽ khác nhau. Việc uống đủ nước sẽ giúp cải thiện hệ tiêu hóa, ngăn ngừa tình trạng khó tiêu, táo bón. Đặc biệt, việc uống nhiều nước còn giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm và thúc đẩy quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng cho thai nhi.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đủ chất
Các mẹ cần xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, đảm bảo đầy đủ 5 nhóm dưỡng chất bao gồm: Chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất. Đây là những dưỡng chất cần thiết giúp thai nhi phát triển toàn diện.
- Vận động nhẹ nhàng
Việc thực hiện các hoạt động thể chất nhẹ nhàng trong quá trình mang thai sẽ giúp cải thiện hệ tiêu hóa, làm giảm tình trạng đầy bụng, táo bón và thúc đẩy lưu thông máu. Một số bài tập phù hợp với bà bầu bao gồm: đi bộ, bơi lội, tập yoga, tập dưỡng sinh,…
- Hạn chế căng thẳng lo lắng
Tâm lý căng thẳng, lo lắng của người mẹ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Do đó, việc mẹ bầu nghỉ ngơi đầy đủ, giữ cho mình một tâm lý tích cực, thoải mái, hạn chế căng thẳng là vô cùng quan trọng, giúp thai nhi phát triển tốt nhất. Các mẹ bầu có thể tập ngồi thiền hay yoga và thực hiện các kỹ thuật thư giãn khác để cân bằng lại tâm trạng, giải tỏa căng thẳng, lo lắng.
- Đi khám thai định kỳ
Việc đi khám thai định kỳ sẽ giúp các bác sĩ theo dõi sát sao tình hình phát triển của thai nhi, đồng thời phát hiện những vấn đề bất thường và có hướng xử lý kịp thời.
Trên đây là các thông tin cụ thể về vấn đề có thai 3 tuần uống thuốc kháng sinh hay chụp x quang có sao không? Mọi băn khoăn cần được giải đáp, các chị em hãy để lại bình luận
Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Xin cám ơn!