Xin Chào! Chào mừng bạn đến với Hoàn Mỹ Breast Care chuyên trang dinh dưỡng tư vấn ăn uống đúng cách an toàn.
264 lượt xem

Máu sảy thai như thế nào và có màu gì?

Sảy thai là điều không mẹ bầu nào mong muốn, tuy nhiên tình trạng này hoàn toàn có thể xảy ra với mọi phụ nữ mang thai. Việc nhận biết được sớm các dấu hiệu sảy thai, máu sảy thai như thế nào và có màu gì sẽ giúp cho các mẹ bầu chủ động đi thăm khám và có biện pháp xử lý kịp thời, nhằm bảo vệ sức khỏe và khả năng sinh sản sau này.

TÌM HIỂU SẢY THAI LÀ GÌ ?

Sảy thai là hiện tượng mất thai tự nhiên trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Phần lớn các trường hợp sảy thai xuất phát từ nguyên nhân thai nhi không phát triển bình thường, trong đó 50% trường hợp thai bị mất sớm có liên quan đến những bất thường nhiễm sắc thể ở thai nhi.

Tình trạng sảy thai có thể xảy ra ở bất kỳ phụ nữ mang thai nào, tuy nhiên những đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ bị sảy thai cao hơn bình thường:

  1. Phụ nữ mang thai khi đã lớn tuổi: Phụ nữ mang thai ở độ tuổi 35 – 45 sẽ có nguy cơ sảy thai từ 20 – 30 %, và con số này sẽ tăng lên 50 % ở mẹ bầu mang thai trên 45 tuổi.
  2. Phụ nữ đã từng có tiền sử bị sảy thai, đặc biệt là bị sảy thai nhiều hơn 2 lần thì nguy cơ sảy thai ở lần tiếp theo sẽ tương đối cao.
  3. Thai phụ quá gầy hay quá béo thì sẽ có nguy cơ bị sảy thai cao hơn những người có cân nặng bình thường.
  4. Thai phụ mắc các bệnh mãn tính như: Tiểu đường, huyết áp tăng,…hay các bệnh truyền nhiễm như: Sốt rét, rubella, HIV,…
  5. Mẹ bầu có cấu trúc tử cung bất thường như: Tử cung có vách ngăn, hở eo cổ tử cung, tử cung hai sừng, tử cung một sừng,…
  6. Việc mẹ bầu thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia cũng làm tăng nguy cơ bị sảy thai.

Có rất nhiều chị em phụ nữ sau khi vừa bị sảy thai xong đã nóng vội muốn có thai trở lại. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa, các chị em không nên mang thai lại ngay mà nên chờ ít nhất 3 tháng để hệ nội tiết, tử cung, cơ quan sinh sản và tâm lý được phục hồi hoàn toàn.

CÁC DẤU HIỆU SẢY THAI THƯỜNG GẶP

Các triệu chứng sảy thai ở mỗi thai phụ sẽ khác nhau và cũng tuỳ thuộc vào từng giai đoạn của thai kỳ. Trong một số trường hợp, tình trạng sảy thai có thể xảy ra sớm, thậm chí trước khi các chị em biết mình mang thai.

Dưới đây là một số dấu hiệu sảy thai phổ biến mà các chị em cần lưu ý:

  1. Chảy máu âm đạo, máu chảy ra có thể ở dạng đốm, dịch màu nâu hoặc chảy máu nặng. Máu thường có màu đỏ tươi hoặc nâu.
  2. Âm tiết tiết ra nhiều dịch có màu hồng, xám,…
  3. Bị chuột rút, đau bụng dưới dữ dội, xuất hiện những cơn co thắt.
  4. Đau thắt lưng dai dẳng
  5. Mất các triệu chứng thai nghén như: Ngực sưng đau, buồn nôn, chán ăn,…

Khi thấy xuất hiện những dấu hiệu này, các bạn cần đi thăm khám bác sĩ ngay lập tức. Bởi vì đây là những triệu chứng cảnh báo nguy cơ sảy thai.

MÁU SẢY THAI NHƯ THẾ NÀO VÀ CÓ MÀU GÌ?

Chảy máu âm đạo là dấu hiệu phổ biến nhất của tình trạng sảy thai. Ban đầu, máu sảy thai chỉ là một đốm nhẹ, sau đó máu sẽ chảy nhiều và ồ ạt hơn khi tử cung giãn ra. Tình trạng chảy máu ồ ạt sẽ kéo dài trong khoảng từ 3 – 5 giờ. Máu sảy thai có thể có màu hồng, đỏ tươi rồi chuyển sang nâu.

Ngoài ra, tùy vào thời điểm sảy thai mà máu sảy thai cũng sẽ có đặc điểm khác nhau:

  1. Sảy thai trong 4 tuần đầu: Trong giai đoạn này, máu sảy thai chảy ra sẽ có lẫn với một số máu cục hoặc các mô màu trắng, xám. Phôi thai có kích thước rất nhỏ, chỉ bằng một hạt gạo nên rất khó nhìn thấy.
  2. Sảy thai 6 tuần: Khi bị sảy thai trong giai đoạn này, các mẹ sẽ có thể thấy ra máu cục cùng với một túi nhỏ chứa đầy chất lỏng. Ngoài ra, các mẹ có thể nhìn thấy nhau thai ở bên cạnh túi.
  3. Sảy thai 8 – 10 tuần: Các mẹ sẽ thấy có hiện tượng âm đạo ra máu có lẫn các mô màu đỏ sẫm, nhìn trông giống như gan. Ngoài ra, các thai phụ có thể nhìn thấy một túi có phôi bên trong.
  4. Sảy thai từ 12 – 16 tuần: Các mẹ sẽ thấy âm đạo ra một ít máu đi kèm với các cục máu đông. Phôi thai được đào thải ra ngoài có thể được gắn cùng với dây rốn và nhau thai.
  5. Sảy thai từ 16 – 20 tuần: Xuất hiện những cục máu đông lớn màu đỏ thẫm trông giống như gan cùng với các mảnh mô khác trông giống như màng tế bào. Đi kèm với những cơn đau bụng dữ dội.

BỊ SẢY THAI RA MÁU TRONG BAO LÂU ?

Tình trạng ra máu sảy thai và đau quặn bụng có thể kéo dài đến 2 tuần. Sau thời gian này, lượng máu chảy ra sẽ giảm dần rồi ngưng hẳn.  Trong thời gian này, các chị em chỉ cần chú ý vệ sinh vùng kín và thay băng thường xuyên như trong chu kỳ kinh là được. Nếu các chị em bị chảy máu âm đạo trên 2 tuần, không thuyên giảm thì nên chủ động đi thăm khám bác sĩ để có biện pháp xử lý phù hợp.

Ngoài ra, việc bị sảy thai chảy máu trong bao lâu sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  1. Tình trạng sảy thai xảy ra ở giai đoạn nào của thai kỳ. Nếu tuổi thai đã lớn thì lượng máu chảy ra sẽ nhiều và thời gian chảy máu sẽ kéo dài hơn do với các trường hợp bị sảy thai khi tuổi thai còn nhỏ.
  2. Thai phụ mang đơn thai hay đa thai.
  3. Thời gian cơ thể đào thải các mô và nhau thai ra ngoài.

PHÂN BIỆT MÁU KINH NGUYỆT VỚI MÁU SẢY THAI

Có một số trường hợp thai phụ bị sảy thai sớm, thậm chí trước cả khi họ biết mình mang thai. Các chị em thậm chí hoàn toàn không hề biết là mình bị sảy thai mà cứ nghĩ tình trạng ra máu âm đạo là do đến kỳ kinh nguyệt.

Dưới đây là một số điểm khác biệt giữa máu sảy thai và máu kinh nguyệt mà các chị em cần lưu ý:

  1. Kinh nguyệt là tình trạng bong niêm mạc tử cung có tính chu kỳ diễn ra hàng tháng, làm chảy máu từ tử cung ra ngoài âm đạo. Còn máu sảy thai sẽ xuất hiện bất chợt, không có tính chu kì. Ban đầu, máu sảy thai chỉ ra một vài đốm nhẹ, sau đó sẽ chảy ra nhiều và ồ ạt ra trong vòng từ 1 – 2 tiếng. Máu sảy thai sẽ có màu hồng, rồi chuyển sang màu đỏ tươi và màu nâu.
  2. Chảy máu do sảy thai thường sẽ đi kèm với các cục máu đông lớn và mô mà các chị em sẽ thường không nhìn thấy trong chu kỳ kinh.
  3. Đau bụng dưới là dấu hiệu thường gặp khi đến kỳ kinh nguyệt, tuy nhiên, khi sảy thai, cơn đau này sẽ trở nên dữ dội và kéo dài hơn do cổ tử cung bị giãn ra.

MẸ BẦU CẦN LÀM GÌ KHI CÓ DẤU HIỆU SẢY THAI ?

Khi thấy xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ bị sảy thai, các chị em cấn đến các cơ sở y tế để kiểm tra ngay lập tức. Nếu được chẩn đoán bị sảy thai và mô thai không còn sót lại trong tử cung, thì các chị em sẽ không cần phải điều trị. Tuy nhiên, đối với những trường hợp vẫn còn sót lại một số mô thai trong tử cung hay tử cung bị nhiễm trùng, thì các bác sĩ sẽ chỉ định thai phụ sử dụng thuốc hoặc thực hiện một số can thiệp thủ thuật để loại bỏ tất cả những mô thai còn sót lại ra bên ngoài.

Ngoài ra, sau khi bị sảy thai, các thai phụ cần dành thời gian để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, chú ý ăn uống điều độ, tăng cường bổ sung trái cây, rau quả và ngũ cốc để nhanh chóng hồi phục sức khỏe và tinh thần.

Thông thường, sau khi sảy thai, các chị em sẽ có thể bị đau bụng dưới và chảy máu âm đạo. Đây là các triệu chứng hoàn toàn bình thường, chúng sẽ giảm dần và tự biến mất sau một thời gian. Tuy nhiên, nếu các cơn đau ngày càng nghiêm trọng và tình trạng chảy máu âm đạo kéo dài, không thuyên giảm thì các chị em cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và có hướng xử lý kịp thời.

Sau sảy thai khoảng 6 tuần, khi các chị em đã hồi phục về sức khỏe và ổn định về tinh thần, thì nên chủ động đến gặp bác sĩ Sản khoa để được thăm khám, xác định nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng sảy thai. Căn cứ vào đó, các bác sĩ sẽ có biện pháp xử lý phù hợp giúp cho những mang thai sau này của các chị em được an toàn, thai nhi phát triển khỏe mạnh.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÒNG NGỪA TÌNH TRẠNG SẢY THAI ?

Trên thực tế, không có biện pháp nào giúp ngăn ngừa hoàn toàn tình trạng sảy thai. Tuy nhiên, việc mẹ bầu thực hiện lối sống lành mạnh đóng một vai trò rất quan trọng, giúp đảm bảo một thai kỳ an toàn, giảm thiểu nguy cơ sảy thai tự nhiên. Cụ thể như:

  1. Thai phụ cần giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái, hạn chế căng thẳng.
  2. Tránh vận động mạnh, mang vác đồ nặng, mọi hoạt động đứng lên hoặc ngồi xuống cần hết sức thận trọng.
  3. Chú ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho thai kỳ như: Protein, canxi, axit folic, vitamin và chất xơ. Đặc biệt, các mẹ nên ăn nhiều hoa quả tươi và rau xanh để tránh tình trạng táo bón khi mang thai. Tuyệt đối tránh xa các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn chiên rán, có nhiều dầu mỡ và các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê…
  4. Nên duy trì mức cân nặng hợp lý khi mang thai.
  5. Để có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh, các bạn nên tránh tiếp xúc với các chất thải, chất độc hại trong môi trường.
  6. Hạn chế quan hệ tình dục trong 3 tháng đầu mang thai để đảm bảo an toàn cho thai kỳ.
  7. Đi khám thai định kỳ đủ và đúng theo lịch hẹn của bác sĩ để phát hiện sớm các vấn đề bất thường và có hướng xử lý kịp thời, đảm bảo sức khỏe của thai nhi.

Nên Xem Thêm:

Trên đây là những thông tin chia sẻ về vấn đề: Máu sảy thai như thế nào và có màu gì? Mọi băn khoăn về vấn đề này, các bạn hãy để lại bình luận

Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Xin cám ơn!