Siêu âm thai là việc làm vô cùng quan trọng, giúp các bác sĩ theo dõi sự phát triển của thai nhi qua từng giai đoạn, đồng thời phát hiện sớm những bất thường ở thai. Có rất nhiều phương pháp siêu âm thai, tùy vào từng giai đoạn của thai kỳ mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp siêu âm phù hợp. Vậy thai 9 tuần siêu âm bụng hay đầu dò thì hợp lý ? Băn khoăn này sẽ được Blog sức khoẻ Hoàn Mỹ Breast Care giải đáp ngay ở bài viết dưới đây!
CÁC PHƯƠNG PHÁP SIÊU ÂM THAI
Siêu âm là phương pháp chẩn đoán hình ảnh bằng cách sử dụng sóng siêu âm để xây dựng và tái tạo hình ảnh về cấu trúc bên trong cơ thể. Siêu âm thai chính là sử dụng kỹ thuật sóng âm để ghi lại những hình ảnh và sự phát triển của thai nhi khi còn ở trong bụng mẹ. Thông qua những chỉ số và hình ảnh siêu âm, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi, đồng thời phát hiện sớm những bất thường ở thai để từ đó, có biện pháp xử lý kịp thời. Siêu âm thai có 2 loại:
- Siêu âm ổ bụng:
Siêu âm ổ bụng là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh y học phổ biến. Khi thực hiện phương pháp này, kỹ thuật viên sẽ bôi gel lên vùng bụng của thai phụ. Việc này sẽ giúp cải thiện sự dẫn truyền của sóng âm thanh, đồng thời loại bỏ không khí giữa làn da của thai phụ và đầu dò. Đầu dò sẽ được di chuyển qua lại trên vùng bụng của thai phụ và ghi lại những hình ảnh, các bộ phận và cử động của thai nhi. Hiện nay, có rất nhiều kỹ thuật siêu âm đường bụng bao gồm: Siêu âm 2D, 3D, 4D,…
- Siêu âm đầu dò:
Đây là một phương pháp siêu âm sử dụng một loại đầu dò đặc biệt (nhỏ và dài) để đưa vào trong âm đạo, nhằm quan sát cụ thể những cấu trúc bên trong tử cung – vùng chậu, giúp bác sĩ xác định vị trí chính xác của thai nhi, phát hiện những trưởng hợp mang thai ngoài tử cung. Ngoài ra, kỹ thuật siêu âm đầu dò cũng giúp các bác sĩ đánh giá nhịp tim thai ở tuần thứ 6 – 8, xác định số lượng thai…. Siêu âm đầu dò thường được thực hiện trong những tuần đầu của thai kỳ.
THAI 9 TUẦN SIÊU ÂM BỤNG HAY ĐẦU DÒ THÌ HỢP LÝ?
Thai 9 tuần siêu âm bụng hay đầu dò? Ở tuần thai thứ 9, thai nhi đã bước qua giai đoạn 2 tháng tuổi với kích thước dài khoảng 2.3 cm và nặng khoảng 20 g, tương đương cỡ một quả nho. Với kích thước thai nhi còn quá nhỏ như vậy thì các bác sĩ sẽ thường chỉ định phương pháp siêu âm đầu đò. Phương pháp này sẽ giúp các bác sĩ quan sát rõ hơn các cơ quan sinh dục bên trong, những sự thay đổi của em bé mà việc siêu âm ổ bụng sẽ khó thấy rõ được ở tuần thai này.
Tuy nhiên, kể từ tuần thai 12 trở đi, các mẹ bầu sẽ chuyển sang thực hiện phương pháp siêu âm ổ bụng để tầm soát sức khỏe thai kỳ một cách tốt nhất.
SIÊU ÂM THAI 9 TUẦN TUỔI SẼ CHO BIẾT NHỮNG THÔNG TIN GÌ?
Việc siêu âm thai 9 tuần tuổi sẽ giúp các mẹ nhận thấy một vài sự thay đổi của cơ thể thai nhi như: Đuôi của thai nhi đã biến mất, những ngón tay, chân của bé đã được hình thành và giữa các ngón tay có màng. Một số cơ nhỏ ở chân và tay thai nhi đã được hình thành, vì vậy mà thai đã có những cử động ngẫu hứng. Ở tuần thai này, các bác sĩ có thể nghe được nhịp tim thai, vào khoảng 160 nhịp/ phút, nhanh hơn gấp đôi so với người lớn.
Cụ thể, việc siêu âm ở tuần thai thứ 9 sẽ giúp mẹ bầu biết thêm các thông tin như:
- Xác định được ngày dự sinh giúp các mẹ có sự chuẩn bị tốt nhất cho thai kỳ. Trong trường hợp người mẹ có tiền sử bị sảy thai trước đó thì mốc siêu âm thai 9 tuần là vô cùng quan trọng để khảo sát.
- Kiểm tra nhịp tim của thai nhi để phát hiện sớm những vấn đề bất thường.
- Kiểm tra tình trạng buồng trứng, nhau thai, tử cung và nước ối để đánh giá sức khỏe của thai nhi.
- Đánh giá nguy cơ mẹ bị đái tháo đường thai kỳ và đưa ra biện pháp can thiệp kịp thời.
KHI ĐI SIÊU ÂM THAI CẦN LƯU Ý NHỮNG GÌ?
Để giúp quá trình siêu âm thai diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng thì các mẹ bầu cần lưu ý những vấn đề dưới đây:
- Khi đi siêu âm thai trước tuần thứ 10 thì các mẹ bầu cần uống nhiều nước, nhịn tiểu để khi siêu âm, bàng quang sẽ chứa đầy nước và cho hình ảnh thai nhi rõ nét hơn.
- Ngoài ra, các mẹ cần đi khám thai định kỳ đầy đủ và đúng lịch hẹn của bác sĩ. Việc siêu âm thai muộn sẽ khiến bác sĩ gặp nhiều khó khăn trong việc quan sát và đánh giá tình trạng của thai nhi. Ví dụ như việc đo độ mờ da gáy cần thực hiện trong khoảng từ tuần thứ 11 – 13 tuần 6 ngày của thai kỳ, sau đó chỉ số này sẽ không còn có ý nghĩa gì nữa. Hoặc sau 34 tuần thì việc đánh giá mặt hoặc tim thai sẽ gặp nhiều khó khăn do lúc này thai đã lớn, buồng tử cung đã bị chật, làm hạn chế khả năng quan sát của bác sĩ.
- Khi đi siêu âm, các mẹ cần chọn mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để có thể dễ dàng bộc lộ vùng bụng, giúp quá trình siêu âm thai diễn ra nhanh chóng.
- Thông thường, khi đi siêu âm thai, các thai phụ sẽ được các bác sĩ chỉ định thực hiện thêm xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu. Do đó, các mẹ bầu cần nhịn ăn để đảm bảo nhận được kết quả xét nghiệm chính xác nhất, nhất là xét nghiệm đánh giá nguy cơ tiểu đường thai kỳ. Sau khi lấy mẫu máu xong, các mẹ có thể ăn nhẹ để tránh nguy cơ hạ đường huyết rồi sau đó mới gặp bác sĩ để siêu âm.
- Trong một số trường hợp khi siêu âm thai, thai nhi nằm sấp hoặc ở tư thế không phù hợp để khảo sát thì các bác sĩ sẽ dừng lại và yêu cầu thai phụ ra ngoài đi lại một lúc để em bé xoay đổi tư thế. Sau đó, các bác sĩ sẽ tiếp tục khảo sát.
NHỮNG LƯU Ý KHI MANG THAI 9 TUẦN TUỔI
Ở tuần thai thứ 9, các mẹ bầu nên chú ý đến chế độ sinh hoạt, ăn uống cũng như nghỉ ngơi điều độ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Trong thời gian này, các mẹ cần lưu ý một số vấn đề dưới đây:
- Tuần thứ 9 là thời gian thích hợp để mẹ bầu bổ sung thêm canxi. Các mẹ có thể bổ sung khoáng chất này thông qua chế độ ăn uống hàng ngày hoặc sử dụng viên uống tổng hợp.
- Các mẹ nên tránh vận động mạnh, gập bụng hay làm việc quá nặng nhọc.
- Lựa chọn tư thế ngủ thoải mái, dễ chịu để tránh tình trạng khó ngủ, mất ngủ kéo dài.
- Việc quan hệ tình dục khi mang thai vẫn có thể diễn ra bình thường nhưng cần chú ý quan hệ nhẹ nhàng, lựa chọn những tư thế “yêu” phù hợp, hạn chế tác động đến vùng bụng bầu để tránh gây ảnh hưởng đến thai nhi.
- Chế độ dinh dưỡng ở tuần thứ 9 của thai kỳ cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Các mẹ nên chú ý ăn chín, uống sôi, đảm bảo đầy đủ 5 nhóm dưỡng chất bao gồm: Tinh bột, chất đạm, chất xơ, chất béo, vitamin và khoáng chất. Nếu các mẹ bầu có cảm giác mệt mỏi và chán ăn thì nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày kết hợp với việc bổ sung nước để làm giảm bớt cảm giác ngấy.
- Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như: Đi bộ, yoga, bơi lội,…để thúc đẩy quá trình lưu thông máu, hạn chế tình trạng chuột rút, phù chân.
- Các mẹ cần giữ một tinh thần thoải mái, tích cực, hạn chế căng thẳng, stress sẽ gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Blog sức khoẻ Hoàn Mỹ Breast Care hy vọng qua bài viết trên đây, các chị em đã có câu trả lời cho riêng mình về vấn đề thai 9 tuần siêu âm bụng hay đầu dò?. Mọi thắc mắc về vấn đề này, các bạn hãy vui lòng để lại bình luận.
Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Xin cám ơn!