Xin Chào! Blog Hoàn Mỹ cập nhật kiến thức sức khoẻ A - Z
615 lượt xem

Ung thư vú thường gặp ở độ tuổi nào? Nguyên nhân và cách phòng tránh

Số lượng người mắc ung thư vú những năm trở lại đây đang ngày càng gia tăng. Ung thư vú là căn bệnh rất nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dễ gây nguy cơ tử vong. Vậy ung thư vú thường gặp ở độ tuổi nào? Chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Ung thư vú là gì?

Ung thư vú là căn bệnh xảy ra khi các tế bào ung thư ác tính xuất hiện trong mô vú, tình trạng này thường phát triển từ các ống dẫn sữa bên trong vú. Những tế bào ung thư ác tính nếu không được can thiệp sẽ lây lan đi khắp các bộ phận trong cơ thể.

Ung thư vú thường gặp ở độ tuổi nào

Ung thư vú thường gặp ở độ tuổi nào?

Mọi chị em phụ nữ đều có nguy cơ mắc ung thư vú. Ở độ tuổi 40 trở lên là thời gian mà bệnh thường xuất hiện. Các thống kê cũng cho thấy có đến hơn 80% các ca mắc ung thư vú nằm ở độ tuổi 45 trở lên. Đó cũng là thời điểm mà các cơ quan tế bào suy giảm chức năng và dần yếu đi.

Bên cạnh phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh, những chị em ở trong các trường hợp sau cũng có nguy cơ mắc phải ung thư vú:

  1. Phụ nữ có kinh nguyệt sớm trước năm 12 tuổi và tiền mãn kinh sau 55 tuổi: Những đối tượng có kinh nguyệt sớm và tiền mãn kinh muộn thường có hormone estrogen và progesteron nhiều hơn những người khác nên sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  2. Không sinh con hoặc có con muộn sau năm 30 tuổi: Những người này thường có tỷ lệ nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn. Đối với phụ nữ bình thường khi mang thai, chu kỳ kinh nguyệt sẽ giảm xuống, lượng estrogen cũng giảm theo nên sẽ  ít có khả năng mắc bệnh so với những phụ nữ có con muộn sau năm 30 tuổi.

Cũng chính vì vậy mà nhiều bác sĩ đã khuyến cáo phụ nữ nên sinh con trước tuổi 30 và hạn chế đi việc sinh đẻ sau năm 40 tuổi để giảm bớt nguy cơ mắc ung thư vú cũng như những tác hại ảnh hưởng tới sức khỏe.

  1. Phụ nữ tiếp xúc với các chất độc hại, tia phóng xạ: Việc tiếp xúc với môi trường độc hại hay các tia phóng xạ sẽ tăng khả năng cực cao mắc các bệnh về ung thư, đặc biêt là ung thư vú ở chị em phụ nữ. Những phụ nữ tiếp xúc với tia phóng xạ trong quá trình điều trị các bệnh khác cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
  2. Do yếu tố di truyền, trong nhà từng có tiền sử người mắc ung thư vú: Theo nghiên cứu cho thấy có khoảng 5-10% các ca ung thư vú là di truyền từ người mẹ. Những người có yếu tố di truyền này có khả năng mắc bệnh cao gấp 4 lần người khác và chịu ảnh hưởng từ đột biến gen BRCA1, BRCA2 truyền từ thế hệ trước. Những đột biến gen này có xu hướng xuất hiện nhiều ở người trẻ và có nguy cơ tác động lên cả 2 vú cao hơn so với người mắc bệnh không do yếu tố di truyền và đột biến gen.
  3. Phụ nữ có thói quen sử dụng các chất kích thích: Khói từ thuốc lá hoặc các chất kích thích khác sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư ở chị em phụ nữ.

Những nguyên nhân gây ung thư vú

Không chỉ nằm ở yếu tổ tuổi tác và di truyền, ung thư vú còn có thể là hậu quả của lối sống không lành mạnh, không giữ gìn sức khỏe:

Lười vận động

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến không chỉ góp phần làm hình thành nên bệnh ung thư vú mà còn có cả các bệnh khác nữa. Việc lười hoạt động thể chất khiến thể lực, sức khỏe suy giảm. Kéo theo đó là sức đề kháng của cơ thể, hệ miễn dịch cũng kém đi, tạo điều kiện cho các tế bào ác tính sinh sôi.

Uống nội tiết tố

Để làm đẹp cũng như tăng cường sức khỏe, nhiều chị em đã sử dụng các loại thực phẩm chức năng từ khi còn trẻ, trong đó có thể có các thành phần tăng cường các nội tiết tố trong cơ thể. Ngoài ra còn có các chị em sử dụng thuốc điều trị liệu pháp hormone thay thế để thay đổi thời gian tiền mãn kinh. Những loại thuốc bổ sung hormone, thay đổi nội tiết tố sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

Thừa cân, béo phì

Phụ nữ bị thừa cân, béo phì cũng có nguy cơ mắc các bệnh cao hơn bình thường. Những người này cũng thường có thói quen ăn uống , sinh hoạt không lành mạnh làm rối loạn sự trao đổi chất trong cơ thể, từ đó làm cơ thể suy yếu đi đề kháng và hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh.

Thức khuya

Thức khuya là tình trạng khá phổ biến trong xã hội ngày nay, nhiều người có thói quen thức khuya mà không lường được những hệ quả nguy hiểm mà nó dần mang lại. Việc thức khuya sẽ làm  suy giảm hoạt động của các bộ phận trong cơ thể như gan, thận, hệ tiêu hóa,.. làm cho cơ thể không bài tiết được hết các chất độc trong cơ thể. Thức khuya cũng làm gián đoạn khả năng điều tiết hormone, gây rối loạn nội tiết tố. Buổi đêm là thời gian để cơ thể nghỉ ngơi, vì vậy bạn nên sắp xếp giờ đi ngủ hợp lý tránh để thức khuya làm hại cho sức khỏe cơ thể.

Điều trị ung thư vú

Với sự tiến bộ của y học hiện đại ngày nay, ung thư vú là căn bệnh có thể hoàn toàn chữa khỏi nếu như được phát hiện và điều trị kịp thời.

Việc điều trị ung thu vú hiện nay dựa trên nguyên tắc đa mô thức là kết hợp các phương thức trị bệnh bao gồm điều trị nội tiết, xạ trị, hóa trị, phẫu thuật,… những phương pháp được đưa ra dựa trên loại ung thư vú, giai đoạn và kích thước khối u, ảnh hưởng của các tế bào đến hormone và nguyện vọng của người bệnh. Các phương pháp điều trị bao gồm:

Phẫu thuật

Với những trường hợp khối u nhỏ, bác sĩ sẽ tiến hành chỉ định phẫu thuật bóc tách. Trong trường hợp khối u đã lớn và lan rộng sẽ sử dụng phương pháp đoạn nhũ ( cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú).

Các bác sĩ thực hiện đoạn nhũ tiết kiệm da nhằm thuận lợi cho việc tái tạo tuyến nhũ, cùng với đó có thể nạo hạch sinh thiết nhằm xem xét xem tế bào ung thư đã di căn tới hạch chưa. Ở một số trường hợp phụ nữ mắc ung thư vú có thể lựa chọn cắt bỏ tuyến vú bên lành ( gọi cách khác là đoạn nhũ dự phòng) nếu có nguy cơ cao do yếu tố gen di truyền hoặc mang gen đột biến liên quan đến bệnh.

Xạ trị

Liệu pháp xạ trị sẽ sử dụng các chùm tia X và proton tiêu diệt các tế bào ung thư. Bệnh nhân sau khi đã đoạn nhũ thì sẽ dùng các chùm tia chiếu xạ bên ngoài để tiêu diệt hết các tế bào ung thư.

Hóa trị

Liệu pháp hóa trị là cách sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Những người sử dụng liệu pháp hóa trị thường là người có nguy cơ tái phát ung thư hoặc lan rộng sang bộ phận khác trong cơ thể. Trong một vài trường hợp thì hóa trị cũng được sử dụng trước để làm gọn đi khối u bướu làm việc loại bỏ nó trở nên dễ dàng hơn trong quá trình phẫu thuật. Khi tế bào ung thư đã lan rộng thì phương pháp hóa trị thường được chỉ định, nhằm kiểm soát được các triệu chứng kèm theo.

Liệu pháp hormone điều trị ung thư vú

Liệu pháp hormone dùng để điều trị với những bệnh nhân ung thư vú nhạy cảm với hormone. Liệu pháp hormone có thể được dùng trước hoặc sau phẫu thuật hay các phương pháp điều trị khác nhằm giảm nguy cơ ung thư tái phát. Trong trường hợp ung thư đã lan rộng, liệu pháp hormone có thể kiểm soát được và thu nhỏ chúng.

Điều trị bằng liệu pháp hormone có thể gây ra những tác dụng phụ, tùy thuộc vào phương pháp điều trị, có thể bao gồm nóng trong người, đổ mồ hôi đêm và khô âm đạo. Ở mức độ nghiêm trọng hơn sẽ tăng nguy cơ đông máu và loãng xương.

Cách phòng ngừa ung thư vú

Cách phòng ngừa ung thư vú

Để giảm nguy cơ mắc ung thư vú, các chị em cần duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và có một lối sống khoa học. Ngoài ra cần đi khám vú định kỳ để chủ động trong việc kiểm soát bệnh.

Sau đây là một số biện pháp phòng ngừa ung thư vú mà chị em có thể tham khảo:

Ăn nhiều rau củ quả

Một số loại rau họ cải như cải bông xanh, bắp cải, cải xoăn,… sẽ giúp tăng từ 20-40% khả năng ngăn ngừa ung thư vú. Trong cái loại rau này chứa nhiều chất glucosinolate, chất này làm ức chế sự gia tăng tế bào và ngăn ngừa sự hình thành các khối u ở vú.

Hạn chế các đồ ăn mang  nhiều chất béo

Các loại đồ ăn chiên dầu mỡ, xúc xích, gà rán, pizza,… đều có một sức hút khó cưỡng nhưng lại mang rất nhiều chất béo có hại cho sức khỏe, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh, trong đó có ung thư vú. Vì vậy để bảo vệ sức khỏe tốt nhất các chị em nên hạn chế nạp vào cơ thể những loại đồ ăn giàu chất béo như vậy.

Hạn chế các loại đồ uống có cồn, ga

Lượng cồn trong cơ thể tăng cao sẽ làm cơ thể sản sinh ra các estrogen. Estogen gây thuận lợi cho sự phân chia của các tế bào, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Những loại đồ uống có cồn, ga nếu  hấp thụ một lượng lớn vào cơ thể sẽ làm cơ thể tăng đột biến lượng estrogen. Các chị em cần lưu ý và hạn chế tối đa các loại đồ uống này.

Không hút thuốc lá

Các nghiên cứu cho thấy việc phụ nữ thường xuyên hút thuốc lá làm tăng 30% nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, đặc biệt là ở phụ nữ trước tuổi 20. Ngoài ra thuốc lá còn là tác nhân gây ra rất nhiều bệnh cho cơ thể. Để phòng ngừa ung thư vú, các chị em cần tránh hút thuốc cũng như tránh hít phải khói thuốc một cách thụ động.

Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc về việc Ung thư vú thường gặp ở độ tuổi nào? Hoàn Mỹ hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn trang bị được nền tảng kiến thức và biết cách phòng tránh bệnh ung thư vú

Bài viết có tham khảo tài liệu tại:

+ YẾU TỐ NGUY CƠ GÂY UNG THƯ VÚ VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA https://benhvienk.vn/yeu-to-nguy-co-gay-ung-thu-vu-va-cach-phong-ngua-nd58735.html Truy cập ngày 7/4/2022

Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Xin cám ơn!

Để lại một bình luận