X

Ốc heo kỵ với gì?

Ốc heo ngoài phần thịt thơm ngọt, dai giòn còn có chứa hàm lượng lớn protein, vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Cách chế biến ốc heo khá đa dạng, các bạn có thể luộc, hấp, xào hoặc nướng cũng đều rất thơm ngon và hấp dẫn. Tuy nhiên, có phải ốc heo nấu với nguyên liệu nào cũng phù hợp không? Ốc heo kỵ với gì? Cần lưu ý những gì khi chế biến và thưởng thức ốc heo? Để giải đáp những thắc mắc này, các bạn hãy cùng blog sức khoẻ Hoàn Mỹ tham khảo bài viết dưới đây!

NGUỒN DINH DƯỠNG TỪ ỐC HEO

Ốc heo hay còn gọi là ốc bướm, ốc trinh nữ là loài động vật thân mềm, thuộc họ Ốc sứ, thường nằm ẩn trong các hốc san hô hoặc rạn đá ngầm ngoài biển. Sở dĩ có cái tên “Ốc heo” là do hình dạng của loại ốc này khi để úp khá giống một chú heo đang nằm ngủ. Vỏ ốc trơn láng, có màu nâu vàng với nhiều hoa văn đường nét mềm mại, sáng bóng. Khác với nhiều loại ốc có miệng hơi tròn, phần miệng ốc heo là một đường rãnh hơi dài và hẹp, hai bên mép có những khía li ti giống răng cưa.

Số lượng ốc heo không nhiều nên chúng có giá thành khá cao, lên đến 100.000 – 150.000 đồng/ kg. Phần thịt ốc heo chắc, ngon ngọt và thơm ngậy, có thể chế biến được thành nhiều món ăn khác nhau như: Ốc heo hấp sả, ốc heo nướng muối ớt, ốc heo xào dừa, ốc heo xào sả ớt, ốc heo rang muối,…

Không chỉ thơm ngon, ốc heo còn nổi tiếng với hàm lượng dinh dưỡng cao, có chứa protein, carbs, vitamin A, B, PP, E cùng với các khoáng chất thiết yếu như: Canxi, sắt, photpho, đồng, natri, Iot, mangan, magie, selen, … 

ĂN ỐC HEO CÓ TÁC DỤNG GÌ CHO SỨC KHỎE?

Không chỉ nổi tiếng với những món ăn ngon và hấp dẫn mà ốc heo còn là loại thực phẩm giàu dưỡng chất, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe:

  • Duy trì sức khỏe của hệ xương răng

Như các bạn đã biết, canxi và photpho là hai loại khoáng chất quan trọng, cấu tạo nên hệ xương răng, làm cho xương và răng chắc khỏe hơn. Đồng thời, ngăn ngừa bệnh loãng xương, giảm tình trạng đau nhức và khó khăn khi vận động. 

Ốc heo là một nguồn cung cấp canxi và photpho dồi dào cho cơ thể. Do đó, các bạn nên tăng cường tiêu thụ loại ốc này để cải thiện sức khỏe của hệ xương khớp. 

  • Bổ sung thêm chất sắt cho cơ thể

Ốc heo là một nguồn thực phẩm giàu chất sắt. Đây là một thành phần quan trọng trong quá trình sản xuất hemoglobin – một loại phân tử protein có trong tế bào hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy đến các mô trong cơ thể. Do đó, việc ăn ốc heo có thể giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị tình trạng thiếu máu. 

Ngoài ra, việc bổ sung chất sắt cho cơ thể còn dẫn đến sự gia tăng tương ứng lượng oxy đến tất cả các cơ quan, bao gồm cả não bộ. Điều này sẽ giúp tăng cường chức năng nhận thức, cải thiện trí nhớ và sự tập trung khi làm việc cũng như học tập. 

  • Tốt cho tim mạch

Trong ốc heo có chứa Kali, đây là một khoáng chất giúp làm giãn mạch, tăng lưu thông máu đến tim. Từ đó, có thể điều hòa huyết áp và duy trì nhịp tim ổn định.

Ngoài ra, vitamin E được tìm thấy trong ốc heo có thể bảo vệ sức khỏe tim mạch nhờ đặc tính chống oxy hóa. Đặc tính này sẽ giúp chống lại những tác động của các gốc tự do gây hại – một yếu tố góp phần vào sự phát triển của các bệnh lý tim mạch. 

  • Tăng cường hệ miễn dịch

Thành phần selen trong ốc heo đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển và sự hoạt động của các tế bào bạch cầu. Từ đó, giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả, tăng cường khả năng chống nhiễm trùng, ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh như: vi khuẩn, virus,…

  • Làm đẹp da

Vitamin E thường có nhiều trong các loại ốc, đặc biệt là ốc heo. Đặc tính nổi trội của loại vitamin này đó là chống lại quá trình oxy hóa nên nó có tác dụng rất tốt trong việc làm chậm quá trình lão hóa da, giúp mang lại một làn da mịn màng, tươi trẻ, hạn chế sự xuất hiện của nếp nhăn.

ỐC HEO KỴ VỚI GÌ? GHI NHỚ NGAY 5 THỰC PHẨM NÊN HẠN CHẾ KẾT HỢP

Việc kết hợp thực phẩm không đúng cách có thể làm giảm giá trị dinh dưỡng của món ăn, thậm chí gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vậy ốc heo kỵ với món gì? Dưới đây là một số loại thực phẩm không nên dùng chung với ốc heo mà các bạn cần lưu ý:

  • Thực phẩm chứa vitamin C

Những loại động vật có vỏ như: Cua, sò, ngao, ốc,….thường rất ngon ngọt và bổ dưỡng. Tuy nhiên, chúng lại có chứa hàm lượng asen pentavenlent. Bình thường chất này không gây hại cho cơ thể, nhưng nếu kết hợp cùng với vitamin C thì nó sẽ chuyển hóa thành asen trioxide (hay còn gọi là thạch tín) có thể gây ngộ độc cấp tính cho cơ thể. 

Do đó, sau khi ăn ốc heo, các bạn tuyệt đối không được tráng miệng bằng các loại trái cây giàu vitamin C như: Kiwi, dâu tây, cam, quýt, bưởi, dứa, ổi,….

  • Trà xanh

Ốc kỵ trà xanh bởi trong trà có chứa hàm lượng axit tannic. Chất này khi kết hợp với thành phần canxi trong ốc heo thì sẽ có thể tạo ra hợp chất kết tủa không hòa tan trong dạ dày. Từ đó, gây khó khăn cho quá trình tiêu hóa, dễ dẫn tới các tình trạng đầy bụng, khó tiêu và nôn mửa.

Ngoài trà xanh thì các bạn cần lưu ý tránh tiêu thụ ốc heo cùng với những loại thực phẩm chứa nhiều axit tannic khác như: Hồng, nho, lựu, sơn trà, ổi xanh, rượu vang, cà phê,…

  • Thực phẩm có tính hàn

Theo Đông y, ốc heo có tính hàn, lạnh, do đó nên tránh kết hợp cùng với những loại thực phẩm mang tính hàn khác như: Rau muống, dưa chuột, dưa hấu, lê, khổ qua, bí đao, rong biển,…Nếu bạn dung nạp quá nhiều thực phẩm có tính hàn trong cùng một bữa ăn thì sẽ có thể gây lạnh bụng, đau bụng và tiêu chảy.

  • Thực phẩm giàu protein khác

Ốc heo vốn dĩ đã có hàm lượng protein khá cao, nếu tiêu thụ chung với những loại thực phẩm giàu protein khác như: Thịt đỏ, cá, hải sản, các loại đậu, sữa, trứng,…Vì việc dung nạp quá nhiều protein cùng một lúc sẽ có thể gây áp lực cho hệ tiêu hóa, dẫn đến các tình trạng đầy hơi, khó tiêu và táo bón. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ protein quá mức có thể gây hại cho gan, thận và làm tăng nguy cơ mắc bệnh Gout. 

  • Bia rượu

Ốc heo không nên dùng chung với bia rượu. Bởi lượng purin trong ốc sau khi đưa vào cơ thể thì sẽ chuyển hóa thành axit uric. Nếu dùng thêm bia rượu thì sẽ có thể đẩy nhanh tốc độ hình thành axit uric trong cơ thể. Lượng axit uric dư thừa có thể tích tụ và đọng lại tại các khớp xương và mô mềm. Từ đó, gây sưng, nóng, đỏ và làm tăng nguy cơ mắc bệnh Gout.

KHI ĂN ỐC HEO CẦN LƯU Ý NHỮNG GÌ?

Ngoài việc tìm hiểu ốc heo kỵ gì để kết hợp các loại thực phẩm đúng cách, các bạn cần bỏ túi một vài lưu ý dưới đây khi chế biến ốc heo:

– Nấu chín kỹ ốc heo, đun sôi khoảng 4 – 5 phút trước khi ăn để tiêu diệt hoàn toàn các vi khuẩn và ký sinh trùng gây hại, đảm bảo an toàn khi ăn.

– Nên ngâm ốc bằng nước vo gạo, hỗn hợp nước chanh ớt để ốc nhả sạch hết sạn bẩn và chất nhớt. Từ đó, đảm bảo vệ sinh an toàn khi chế biến món ăn.

– Không nên ăn quá nhiều ốc heo, mỗi tuần chỉ ăn khoảng 1 – 2 bữa ốc, mỗi lần chỉ tiêu thụ khoảng 200 – 300 gram. Không nên ăn một lượng lớn ốc cùng một lúc vì ốc có tính hàn, lạnh, sẽ dễ gây lạnh bụng, đau bụng và tiêu chảy.

Trên đây là toàn bộ những thông tin giải đáp cho băn khoăn “ Ốc heo kỵ với gì?”. Bạn cần chú ý 5 loại thực phẩm cần tránh dùng thường xuyên với ốc heo là: trà xanh, bia rượu, các loại thực phẩm giàu protein, thực phẩm có tính hàn hay thực phẩm chứa nhiều vitamin c.

Bùi Thị Thào: Năm 2010 bắt đầu theo học trường y dược Văn Hiến Thanh Hóa chuyên ngành y sỹ đa khoa, hệ trung cấp y 2 năm 2012 tốt nghiệp. 2012 bắt đầu theo học chuyên ngành XÃ HỘI HỌC HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN, hệ đại học 4 năm 2016 ra trường. Bằng kinh nghiệm y dược và khả năng biên tập sáng tạo nội dung Thảo đã có duyên với lĩnh vực sức khoẻ cho đến nay đã được 8 năm