Xin Chào! Blog Hoàn Mỹ cập nhật kiến thức sức khoẻ A - Z
368 lượt xem

Ăn thức ăn không ăn cơm có béo không?

Cơm là loại thức ăn được nấu từ gạo, có chứa hàm lượng carbohydrate khá lớn, giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên, có nhiều người vì lo lắng ăn cơm sẽ gây tăng cân nên đã hạn chế việc ăn loại thực phẩm này, thậm chí là kiêng hoàn toàn. Vậy ăn thức ăn không ăn cơm có béo không? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời cho vấn đề này !

ĂN CƠM CÓ BÉO KHÔNG ?

Cơm là một món lương thực chính của người Việt, được nấu từ hạt gạo cùng với một lượng nước vừa đủ. Trước khi tìm hiểu vấn đề ăn cơm có béo không thì các bạn cần phải biết được hàm lượng calo cụ thể trong một bát cơm. Tùy vào khối lượng cơm và loại gạo sử dụng mà hàm lượng calo có trong cơm sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:

–     Trong 100g cơm trắng có chứa khoảng 130 calo.

–     Trong 100g cơm gạo lứt sẽ có chứa khoảng 110 calo.

–     Trong 100g xôi trắng được nấu từ gạo nếp sẽ có chứa khoảng 300 calo.

Như vậy, việc ăn cơm không có béo không sẽ tùy thuộc vào lượng cơm bạn sử dụng và cách ăn của bạn. Nếu các bạn ăn cơm với lượng vừa phải, đảm bảo lượng calo nạp vào cơ thể trong ngày không vượt quá mức cho phép thì sẽ không dẫn đến tình trạng tăng cân.

Trái lại, nếu mỗi bữa các bạn ăn nhiều cơm, ít vận động thì sẽ dẫn đến dư thừa năng lượng, gây tích tụ mỡ và tăng cân.

ĂN THỨC ĂN KHÔNG ĂN CƠM CÓ BÉO KHÔNG?

Giảm cân bằng cách chỉ dùng thức ăn không ăn cơm đang là phương pháp phổ biến được nhiều người áp dụng để có được vóc dáng thon gọn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, thì đây không phải là một biện pháp giảm cân an toàn và hiệu quả.

Bởi nếu cơ thể không được cung cấp đủ tinh bột thì sẽ khiến lượng đường trong máu giảm xuống. Từ đó, tạo ra cảm giác đói liên tục và khiến mọi người ăn nhiều hơn. Trên thực tế đã có nhiều trường hợp thực hiện giảm cân bằng cách chỉ ăn thức ăn, không ăn cơm đã tiêu thụ nhiều thức ăn hơn bình thường và đã không thể đạt được kết quả giảm cân như mong muốn.

Ngoài ra, việc cắt hoàn toàn các thực phẩm giàu tinh bột như cơm ra khỏi chế độ ăn hàng ngày còn có thể gây hại cho sức khỏe nếu kéo dài liên tục. Bởi tinh bột đường là thành phần chính cấu tạo nên các tế bào sống và là nguồn cung cấp năng lượng chính của cơ thể.… Khi cơ thể bị thiếu hụt dưỡng chất này thì sẽ có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe như:

  • Não bộ chậm chạp, giảm trí nhớ

Carbohydrate hay còn được gọi là tinh bột (thường có nhiều trong cơm, bánh mỳ…) là một trong bốn nhóm dưỡng chất quan trọng của cơ thể. Việc không tiêu thụ tinh bột trong thời gian dài sẽ có thể dẫn đến tình trạng hạ đường huyết với các biểu hiện như: Mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, hồi hộp đánh trống ngực, lo âu, da xanh tái,…

Sau khi tinh bột được đưa vào cơ thể, chúng sẽ chuyển hóa thành đường glucose. Bởi vì glucose chính là nhiên liệu để các tế bào não hoạt động, nếu không cung cấp đủ glucose thì sẽ có thế khiến não bộ hoạt động kém, phản ứng của não bị suy giảm và chậm chạp hơn. Đồng thời, dẫn đến tình trạng thiếu tập trung và giảm trí nhớ.

  • Dẫn đến tình trạng mất cơ

Khi không được cung cấp đủ carbohydrate để tạo ra năng lượng, thì cơ thể sẽ phải sử dụng protein và lipid để bù đắp. Mà protein lại là nguyên liệu để xây dựng và duy trì khối lượng cơ bắp trong cơ thể. Do đó, việc thiếu hụt carbohydrate về lâu dài có thể dẫn đến tình trạng mất cơ.

  • Dẫn đến tình trạng táo bón

Thông thường, các thực phẩm giàu carbohydrate thì cũng rất giàu chất xơ. Do đó, chế độ ăn có quá ít carbs có thể sẽ làm giảm lượng chất xơ trong cơ thể, từ đó dẫn đến các vấn đề tiêu hóa như: Khó tiêu, táo bón,…

Do đó, để đảm bảo sức khỏe thì các bạn cho dù đang muốn giảm cân cũng không được kiêng hoàn toàn các thực phẩm chứa carbs. Các bạn có thể cắt giảm lượng cơm tiêu thụ trong mỗi bữa hoặc thay thế cơm bằng các loại tinh bột khác lành mạnh và ít calo hơn để việc giảm cân đạt hiệu quả.

NHỮNG THỰC PHẨM CHỨA TINH BỘT CÓ THỂ THAY THẾ CƠM

Mặc dù cơm là một món ăn thơm ngon, dễ ăn và có giá thành rẻ, tuy nhiên nó lại có chứa hàm lượng tinh bột khá cao, không phù hợp đối với những người đang giảm cân, mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch. Hiện nay, các bạn có thể thay thế cơm trắng bằng một số loại thực phẩm chứa carbs khác, chứa ít calo hơn, giúp hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Cụ thể như:

  • Hạt quinoa ( hạt diêm mạch)

Quinoa là một loại ngũ cốc nguyên hạt có thể thay thế gạo. Nó có chứa hàm lượng chất xơ và protein thực vật dồi dào. Do đó, nó có thể giúp tăng cường sự trao đổi chất trong cơ thể, đồng thời làm tăng cảm giác no, hạn chế sự thèm ăn và khiến cơ thể tiêu thụ ít calo hơn. Đây là một loại thực phẩm rất phù hợp cho những ai đang trong quá trình ăn kiêng, giảm cân.

  • Gạo lứt

Gạo lứt là loại gạo đã được loại bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài, nhưng vẫn còn giữ nguyên được lớp cám gạo và mầm rất giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Đối với những người đang muốn giảm cân hoặc đang mắc bệnh tiểu đường, thì có thể sử dụng gạo lứt thay thế cho gạo trắng vì gạo lứt chứa ít calo và có chỉ số đường huyết (GI) thấp hơn.

  • Yến mạch

Yến mạch là một loại ngũ cốc nguyên hạt có hàm lượng calo thấp, nhưng lại rất giàu chất xơ và đạm thực vật nên sẽ giúp tạo cảm giác no lâu, hạn chế cảm giác thèm ăn. Do đó, nó rất phù hợp với những người đang trong quá trình ăn kiêng, giảm cân.

  • Ngô

Ngô là một loại ngũ cốc nguyên hạt được tiêu thụ rộng rãi trên thế giới. Hàm lượng chất xơ cao trong loại thực phẩm này có thể giúp kiểm soát cân nặng bằng cách làm chậm quá trình tiêu hóa, khiến các bạn cảm thấy no lâu hơn. Theo một số nghiên cứu khoa học đã cho thấy, việc tiêu thụ 30 gam chất xơ mỗi ngày có thể giúp các bạn giảm cân nhanh chóng. Do đó, những người đang trong quá trình ăn kiêng, giảm cân có thể sử dụng ngô để thay thế cơm trắng trong các bữa ăn hàng ngày.

  • Khoai lang

Khoai lang có hàm lượng calo và chỉ số đường huyết (GI) thấp, nhưng lại rất giàu chất xơ. Do đó, việc ăn khoai lang có thể tạo cảm giác no lâu, ngăn bạn ăn quá nhiều. Ngoài ra, chất xơ có trong khoai lang có thể giúp nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, giúp cải thiện quá trình trao đổi chất, tiêu hóa và bài tiết của cơ thể. Từ đó, hỗ trợ quá trình giảm cân, giữ dáng.

MỘT SỐ ĐIỀU CẦN LƯU Ý ĐỂ VIỆC GIẢM CÂN ĐẠT HIỆU QUẢ

Bên cạnh việc xây dựng chế độ ăn kiêng khoa học, các bạn cần lưu ý một số vấn đề dưới đây để đạt được mục tiêu giảm cân như ý muốn:

  • Ngủ đủ giấc

Việc ngủ đủ giấc từ 7 – 8 tiếng một ngày có thể giúp thúc đẩy quá trình đốt cháy calo giảm cân và ngăn ngừa tình trạng tăng cân.

Một số nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra có mối liên hệ giữa việc ngủ đủ giấc và giảm cân. Cụ thể, những người phụ nữ ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm sẽ có nguy cơ bị tăng cân cao hơn so với những người ngủ nhiều hơn 7 tiếng mỗi đêm. Ngoài ra, theo một nghiên cứu khác đã cho thấy việc thiếu ngủ có thể kích thích cơ thể bài tiết các hormone gây đói, làm tăng cảm giác thèm ăn và dẫn tới nguy cơ béo phì.

Do đó, các bạn hãy tuân thủ một lịch trình ngủ đều đặn, hạn chế sử dụng các đồ uống chứa caffeine và tránh sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ để có được một giấc chất lượng.

  • Tập thể dục thể thao đều đặn

Để tăng hiệu quả giảm cân, đồng thời giúp cải thiện sức khỏe và làm săn chắc các cơ bắp thì các bạn cần tăng cường tập luyện thể dục thể thao.

Một số bài tập cardio đơn giản mà các bạn có thể lựa chọn như: Đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp hay bơi lội… Các bài tập này sẽ giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, làm tăng lưu thông máu và khiến cơ thể đốt cháy nhiều calo hơn.

  • Sử dụng các loại thức uống lành mạnh

Các loại đồ uống có chứa nhiều đường như soda và nước ép trái cây thường có hàm lượng calo cao và ít giá trị dinh dưỡng. Rượu bia cũng là những loại đồ uống chứa nhiều calo và có thể khiến bạn ăn ngon miệng hơn, từ đó làm tăng lượng thức ăn tiêu thụ.

Do đó, việc hạn chế sử dụng các loại đồ uống này có thể giúp làm giảm lượng calo nạp vào cơ thể và giữ vòng eo luôn thon gọn. Thay vào đó, các bạn nên lựa chọn các loại đồ uống không chứa calo như: Nước lọc, trà xanh hoặc cà phê. Thành phần caffeine có trong trà và cà phê có thể giúp thúc đẩy sự trao đổi chất của cơ thể, khiến cơ thể đốt cháy nhiều calo hơn.

  • Chú ý ăn chậm, nhai kỹ

Việc ăn nhanh có thể làm bạn dễ bị tăng cân hơn theo thời gian. Việc ăn chậm khiến cho bạn cảm thấy no lâu hơn và thúc đẩy hoạt động của các hormone giúp giảm cân.

  • Bổ sung thêm probiotic trong chế độ ăn

Probiotics là một loại vi khuẩn có lợi sống trong đường ruột của con người, đã được chứng minh là có khả năng cải thiện nhiều khía cạnh của sức khỏe. Việc tăng lượng men vi sinh thông qua các loại thực phẩm hoặc chất bổ sung cũng có thể giúp tăng cường đốt cháy chất béo và kiểm soát cân nặng.

Một số nghiên cứu cho thấy: Những người thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm giàu probiotics có thể giảm được đáng kể trọng lượng cơ thể và tỷ lệ phần trăm chất béo. Ngoài việc sử dụng các loại thực phẩm chức năng, các bạn có thể bổ sung thêm probiotic vào cơ thể thông qua các loại thực phẩm lên men như: Sữa chua, nấm sữa Kefir, trà nấm thủy sâm,  kim chi và dưa bắp cải.

Hi vọng với những chia sẻ trên, bạn đọc đã hiểu hơn về phương pháp giảm cân bằng cách “cắt giảm tinh bột” đồng thời biết ăn thức ăn không ăn cơm có béo không.

Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Xin cám ơn!

Để lại một bình luận