Xin Chào! Blog Hoàn Mỹ cập nhật kiến thức sức khoẻ A - Z
613 lượt xem

Có nên ăn dưa leo lúc đói không?

Dưa leo là một loại rau củ có vị ngọt nhẹ, thanh mát, chứa nhiều nước, vitamin và các khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Đặc biệt, chúng mang lại những tác dụng tích cực cho sức khỏe và sắc đẹp. Tuy nhiên, để nhận được những lợi ích tối đa từ dưa leo, các bạn cần phải sử dụng chúng đúng thời điểm và đúng cách. Vậy ăn dưa chuột lúc nào là tốt nhất ? Có nên ăn dưa leo lúc đói không ? Hãy cùng Blog sức khoẻ Hoàn Mỹ Breast Care
tìm hiểu cụ thể vấn đề này ở bài viết dưới đây !

THÀNH PHẦN DINH DƯỠNG TRONG TRÁI DƯA LEO

Dưa leo hay còn gọi là dưa chuột, là một loại rau thuộc họ Bầu bí, có hình dáng thon dài, bên ngoài có vỏ màu xanh đậm, xanh nhạt hoặc trắng xanh, bên trong mọng nước. Khi ăn dưa leo có vị giòn, ngọt nhẹ và thanh mát. Bên cạnh việc ăn trực tiếp, các bạn có thể chế biến dưa leo thành rất nhiều món ăn ngon khác nhau như: Kim chi dưa leo, nộm dưa leo tôm thịt, dưa leo xào thịt bò, canh dưa leo sườn non,…

Dưa leo có 95% thành phần là nước, vì vậy đây là một loại thực phẩm, giúp giữ ẩm và bổ sung nước cho cơ thể. Bên cạnh đó, việc sử dụng nước ép dưa chuột bôi lên da còn giúp hỗ trợ giữ ẩm và làm giảm bớt tình trạng da cháy nắng.

Ngoài ra, dưa leo còn chứa nhiều chất xơ, vitamin và các khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như: vitamin C, B, K, magie, kali, mangan, canxi, sắt, photpho,…Do đó, việc ăn dưa leo mỗi ngày sẽ là một biện pháp đơn giản và hiệu quả, giúp các bạn bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

BẤT NGỜ ĐỐI VỚI NHỮNG LỢI ÍCH CỦA DƯA LEO ĐỐI VỚI SỨC KHỎE

Dưa leo không chỉ là một nguyên liệu tạo ra hương vị tươi mát, thanh đạm cho các bữa ăn gia đình mà đây còn là một loại thực phẩm giàu dưỡng chất với nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.

  • Bổ sung nước cho cơ thể

Dưa leo có thành phần chính là nước cùng với nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng cho cơ thể. Việc ăn hoặc uống nước ép dưa leo có thể giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước trong thời tiết nắng nóng hoặc sau khi tập luyện thể dục thể thao.

Đối với những người không thích uống nước lọc, thì việc bỏ thêm dưa leo và bạc hà vào nước uống sẽ giúp nó có hương vị hấp dẫn hơn. Việc cung cấp đủ nước sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể như: Giúp các khớp và tim mạch hoạt động tốt hơn, tăng cường khả năng tập trung và ghi nhớ, làm cho thận khỏe mạnh hơn, cải thiện hệ tiêu hóa,…

  • Dưa leo giúp tăng cường sức khỏe của tim mạch

Trong 1 trái dưa leo có chứa hàm lượng kali khá cao, lên đến 152 mg. Đây là một khoáng chất quan trọng, giúp điều hòa cân bằng nước và các chất điện giải, duy trì hoạt động bình thường của hệ tim mạch, cơ bắp, tiêu hóa và tiết niệu. Theo một số nghiên cứu khoa học đã cho thấy: Một khẩu phần ăn giàu Kali sẽ giúp giữ cho nhịp tim điều hòa, ổn định, làm giảm mức cholesterol xấu ( LDL) trong máu. Từ đó, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

  • Cải thiện sức khỏe tinh thần

Dưa leo là một loại rau củ có tác dụng tích cực đối với sức khỏe tinh thần. Trong dưa leo có chứa nhiều loại vitamin, đặc biệt là các vitamin nhóm B bao gồm vitamin B1, B5 và B7, giúp tăng cường chức năng của não bộ, làm thư giãn tinh thần, giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi và lo âu. Việc thưởng thức một ly nước ép dưa leo sau những giờ làm việc căng thẳng là một biện pháp đơn giản, giúp các bạn xốc lại tinh thần và lấy lại năng lượng nhanh chóng.

  • Dưa leo giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa

Dưa leo với hàm lượng nước và chất xơ dồi dào đã trở thành món ăn lành mạnh, giúp cải thiện các vấn đề tiêu hóa như: Ợ chua, ợ nóng, đầy hơi, khó tiêu, táo bón,… và đặc biệt là bệnh đau dạ dày. Đặc biệt, thành phần pectin có trong dưa leo là một loại chất xơ hòa tan, nó liên kết với các chất béo trong đường tiêu hóa và thúc đẩy quá trình đào thải chúng ra bên ngoài. Do đó, việc ăn dưa leo có thể giúp các bạn cải thiện sức khỏe đường ruột và hệ tiêu hóa.

  • Dưa leo giúp bảo vệ và nâng cao sức khỏe răng miệng

Theo kinh nghiệm dân gian, việc ăn dưa leo có thể giúp cải thiện tình trạng hôi miệng. Điều này có được là nhờ thành phần phytochemicals có trong dưa chuột có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, từ đó làm sạch và khử mùi hôi miệng.

Ngoài ra, việc uống nước ép từ dưa leo thường xuyên sẽ giúp làm tăng tiết nước bọt, chống khô miệng, mang lại hơi thở thơm tho.

  • Dưa leo giúp hỗ trợ quá trình giảm cân

Việc ăn dưa leo có tác dụng giúp giảm cân một cách lành mạnh và bền vững. Dưa leo có chứa rất ít calo (chỉ khoảng 13 calo/ 1 trái) nhưng rất giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, thành phần chất xơ có trong dưa leo sẽ giúp tạo cảm giác no lâu, làm giảm sự thèm ăn và hạn chế lượng calo tiêu thụ từ những loại thực phẩm khác. Vì vậy, dưa leo là một loại thực phẩm lý tưởng cho những người đang trong quá trình ăn kiêng, giảm cân.

  • Dưa leo giúp phòng ngừa các bệnh ung thư

Theo một số nghiên cứu khoa học đã cho thấy: Trong dưa leo có chứa hợp chất cucurbitacins và các nhóm chất dinh dưỡng lignans có tác dụng tích cực trong việc phòng ngừa các bệnh ung thư; đặc biệt là ung thư vú, buồng trứng và tuyến tiền liệt. Ngoài ra, hàm lượng vitamin A, B, C dồi dào trong dưa leo sẽ giúp cung cấp năng lượng, đồng thời tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cơ thể chống lại mọi bệnh tật.

  • Cải thiện vẻ đẹp của làn da

Nước dưa leo có thể giúp thúc đẩy quá trình đào thải độc tố, làm dịu da và duy trì một làn da khỏe mạnh. Ngoài ra, thành phần axit pantothenic, vitamin B5 có trong dưa leo còn được sử dụng để điều trị tình trạng nổi mụn trứng cá.

  • Tăng cường sức khỏe của xương

Dưa leo rất giàu vitamin K, trung bình một cốc dưa leo thái lát có thể cung cấp đến 19% lượng vitamin K cần thiết mỗi ngày. Cơ thể cần vitamin K để tạo ra các protein cần thiết, giúp duy trì hệ xương mô khỏe mạnh, ngăn ngừa tình trạng loãng xương.

Với những lợi ích tuyệt vời trên, các bạn nên bổ sung dưa leo vào chế độ ăn hàng ngày của mình để có sức khỏe tốt, thân hình cân đối và một làn da đẹp.

CÓ NÊN ĂN DƯA LEO LÚC ĐÓI KHÔNG?

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết: Dưa leo rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên các bạn cần chú ý sử dụng nó đúng thời gian và đúng cách thì mới có thể hấp thụ được tối đa những dưỡng chất trong loại quả này và tránh được những tác dụng phụ không mong muốn.

Vậy có nên ăn dưa leo lúc đói không? Trên thực tế, việc ăn dưa leo vào buổi sáng khi bụng đói có thể dẫn đến các triệu chứng đau bụng, đầy hơi, ợ nóng và khó chịu. Đặc biệt, những bệnh nhân đang mắc các bệnh về dạ dày không nên ăn dưa leo khi bụng đói vì có thể khiến bệnh tình càng thêm trầm trọng hơn.

Thời điểm tốt nhất để ăn dưa leo là sau bữa tối. Hàm lượng propanol diacid trong dưa leo sẽ gây ức chế quá trình chuyển hóa đường thành chất béo, từ đó giúp thúc đẩy quá trình giảm cân, giữ dáng. Không chỉ vậy, dưa leo còn giúp làm tăng nhu động ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, thúc đẩy việc đào thải các chất độc tố ra khỏi cơ thể. Dưa leo cũng là một sự lựa chọn lý tưởng để làm đẹp da cho các chị em vì thành phần enzyme có trong loại quả này sẽ giúp làm giãn nở các mao mạch, thúc đẩy quá trình lưu thông máu trên da.

NHỮNG LƯU Ý KHI ĂN DƯA LEO

Để nhận được những lợi ích sức khỏe tối ưu từ dưa leo, các bạn cần lưu ý một số vấn đề dưới đây khi sử dụng loại quả này:

  • Không nên ăn quá nhiều dưa leo

Tốt nhất là các bạn chỉ nên ăn khoảng 400 gram dưa leo 1 ngày là đủ. Việc ăn quá nhiều dưa leo có thể gây dư thừa Kali, dẫn đến tình trạng tăng kali trong máu, làm suy giảm chức năng thận cũng như một vài vấn đề sức khỏe khác.

  • Không nên ăn dưa chuột chung với cần tây, ớt

Các bạn cũng không nên ăn dưa leo cùng với cần tây hoặc ớt. Bởi vì các enzyme trong dưa leo sẽ có thể phá hủy hàm lượng vitamin C có trong cần tây và ớt.

  • Không nên cắt phần đầu của dưa leo khi ăn

Phần đầu của dưa leo chứa vị đắng, do đó có nhiều người thường cắt bỏ hai đầu quả dưa leo trước khi ăn. Tuy nhiên, bộ phận này lại có chứa những hợp chất giúp ngăn ngừa bệnh viêm dạ dày, kích thích dạ dày tiết dịch vị, sản xuất các enzyme tiêu hóa, làm tăng cảm giác ngon miệng.

  • Hạn chế ăn dưa chuột muối

Dưa chuột muối có hương vị mặn, chứa muối nitrat. Khi chúng ta ăn nhiều dưa chuột muối thì lượng axit trong dạ dày sẽ tạo điều kiện cho chất nitrit tác động đến các axit amin trong các loại thịt, cá, tôm,…Từ đó, tạo thành hợp chất nitrosamine có khả năng gây ngộ độc hoặc các bệnh ung thư.

  • Ăn dưa chuột cùng với cà chua

Mọi người thường hay kết hợp dưa chuột cùng với cà chua trong các món salad. Tuy nhiên, đây là một việc làm sai lầm. Trong dưa chuột có chứa một loại enzyme catabolic có khả năng làm phá hủy vitamin C. Trong khi đó, cà chua lại là một loại thực phẩm giàu loại vitamin này. Khi sử dụng chung hai nguyên liệu này thì sẽ làm mất đi nguồn vitamin C từ cà chua cung cấp cho cơ thể.

  • Không nên sử dụng dưa chuột đắp trực tiếp lên da mặt

Bởi vì trên lát dưa leo vừa mới cắt sẽ chứa chất gây dính, dễ gây căng da, thậm chí khiến da bị khô. Tốt nhất là sau khi rửa mặt, các bạn nên lấy nước ép dưa chuột đắp lên mặt trong khoảng 20 phút để làm dịu và giữ ẩm cho làn da.

Trên đây là những giải đáp về băn khoăn có nên ăn dưa leo lúc đói không. Mọi thắc mắc về vấn đề này, các bạn vui lòng để lại bình luận.

Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Xin cám ơn!

Để lại một bình luận