Sảy thai là hiện tượng rủi ro lớn nhất đối với người phụ nữ trong quá trình mang thai. Sảy thai dẫn đến những tổn thất nặng nề về cả mặt tinh thần lẫn thể chất của chị em. Do đó, lúc này chị em phụ nữ rất cần có chồng ở bên để chăm sóc sức khỏe và động viên tinh thần. Vậy vợ bị sảy thai chồng được nghỉ mấy ngày? Hãy cùng Blog sức khoẻ Hoàn Mỹ Breast Care tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
SẢY THAI LÀ GÌ?
Sảy thai là hiện tượng thai nhi bị tống xuất ra khỏi tử cung trước tuần thứ 20 của thai kỳ.
Sảy thai có thể do nhiều nguyên nhân và thường khó xác định rõ ràng. Người ta cho rằng nguyên nhân gây sảy thai đa phần là do các bất thường nhiễm sắc thể, khi thai nhi có quá ít hoặc quá nhiều nhiễm sắc thể thì không thể phát triển như bình thường. Bất cứ người phụ nữ nào cũng có thể bị sảy thai, tuy nhiên các chuyên gia cho biết những đối tượng sau có nguy cơ sảy thai cao hơn:
- Phụ nữ mang thai khi đã lớn tuổi. Nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ mang thai khi 45 tuổi có tỉ lệ sảy thai lên tới 50%, trong đó tỉ lệ này ở phụ nữ từ 35 đến 45 tuổi chiếm 20-30%;
- Phụ nữ đã từng sảy thai trước đó cũng phải đối diện với nguy cơ sảy thai cao;
- Phụ nữ bị thừa cân hay nhẹ cân cũng có khả năng bị sảy thai;
- Phụ nữ mang thai mắc các bệnh lý mãn tính;
- Phụ nữ mang thai xuất hiện các bất thường trong tử cung như mô sẹo;
- Phụ nữ có thói quen hút thuốc, sử dụng thuốc và rượu có nguy cơ sảy thai rất cao.
Phần lớn phụ nữ bị sảy thai đều gặp hiện tượng chảy máu âm đạo. Máu có thể biến đổi từ đốm hoặc dịch màu nâu đến chảy máu nặng, ra máu đỏ tươi hoặc máu vón thành cục. Hiện tượng ra máu sảy thai này có thể xuất hiện rồi biến mất trong vài ngày. Bên cạnh đó, sảy thai còn xuất hiện một số triệu chứng khác như: chuột rút, đau bụng dưới, âm đạo tiết dịch nhờn, mất các triệu chứng thường gặp khi mang thai như đau ngực, cơ thể mệt mỏi,…
VỢ BỊ SẢY THAI CHỒNG ĐƯỢC NGHỈ MẤY NGÀY?
Nhiều nam giới có đóng bảo hiểm xã hội thường thắc mắc trường hợp vợ bị sảy thai chồng được nghỉ mấy ngày, có được hưởng chế độ thai sản không?
Trả lời vấn đề này, Cơ quan Bảo hiểm xã hội cho biết, một số trường hợp phụ nữ không may bị sảy thai và cần người thân ỏ bên chăm sóc, chia sẻ, đặc biệt là chồng trong giai đoạn này. Tuy nhiên việc này có thể khiến công việc và nhiều hoạt động khác bị gián đoạn. Nhiều người nghĩ rằng việc nghỉ chế độ thai sản của chồng khi vợ sinh đẻ giống với việc vợ có thai hay sảy thai.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
“2. Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
- a) 05 ngày làm việc;
- b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
- c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
- d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
- Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều này; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
- Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 31 của Luật này mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
- Trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc theo quy định tại khoản 4 Điều này thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
- Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
- Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.”
Như vậy, người chồng – lao động nam đang đóng bảo hiểm chỉ được nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm để chăm sóc vợ khi vợ sinh con. Còn đối với trường hợp vợ bị sảy thai, pháp luật bảo hiểm xã hội Việt Nam không có chế độ cho lao động nam nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Tuy nhiên, nếu muốn dành thời gian để chăm sóc vợ mới bị sảy thai, lao động nam vẫn có thể xin nghỉ theo một trong 02 trường hợp dưới đây:
- Xin nghỉ phép năm
Theo Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động sẽ được nghỉ phép từ 12 – 16 ngày/năm nếu làm đủ năm cho người sử dụng lao động. Thậm chí, người lao động còn được cộng thêm tương ứng 01 ngày vào số phép hằng năm của mình nếu làm việc đủ 05 năm cho một người sử dụng lao động. Trong những ngày nghỉ phép năm, người lao động mặc dù nghỉ làm nhưng vẫn được trả đủ lương theo hợp đồng lao động.
Do đó, nếu vợ bị sảy thai, người chồng có thể chủ động đề nghị nghỉ phép năm với người sử dụng lao động để chăm sóc vợ mà vẫn nhận đủ tiền lương.
- Xin nghỉ không hưởng lương
Theo khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, nếu không thuộc các trường hợp được nghỉ theo quy định, người lao động hoàn toàn có thể trao đổi với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương. Tuy nhiên, trường hợp xin nghỉ này bắt buộc phải có sự đồng ý của người sử dụng lao động.
PHỤ NỮ BỊ SẢY THAI ĐƯỢC NGHỈ BAO NHIÊU NGÀY?
Bên cạnh việc quan tâm đến vấn đề “vợ bị sảy thai chồng được nghỉ mấy ngày?”, phụ nữ bị sảy thai được nghỉ bao nhiêu ngày cũng là thắc mắc của nhiều người.
Về vấn đề này, nếu chị em có tham gia bảo hiểm xã hội thì căn cứ theo quy định tại Điều 33 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:
“Điều 33. Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý
- Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
- a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
- b) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
- c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
- d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.”
HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC SỨC KHỎE PHỤ NỮ SAU KHI BỊ SẢY THAI
Sảy thai là rủi ro không ai mong muốn xảy ra. Phụ nữ bị sảy thai cũng tương tự như trải qua một lần sinh nở, cơ thể và sức khỏe bị suy giảm nhiều nên cần được chăm sóc một cách kỹ càng để sớm hồi phục. Do đó, các chuyên gia sản khoa đưa ra một số lời khuyên hữu ích hướng dẫn bạn trong việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ sau khi bị sảy thai như sau:
- Về mặt tinh thần: Người phụ nữ sau khi gặp tình trạng sảy thai thường phải chịu một cú sốc rất lớn về mặt tinh thần. Chính vì vậy, đây là thời điểm chị em cần được chia sẻ với người thân trong gia đình hay những người bạn để giải tỏa khỏi nỗi buồn , thoát khỏi cảm giác dằn vặt, để tha thứ cho bản thân và nhận thức sảy thai là điều không may và hoàn toàn có thể xảy ra trong cuộc sống. Người chồng nên là người sát cánh bên vợ trong thời gian này, các anh em hãy động viên vợ mình thật nhiều, hay có thể đưa vợ đi dạo hằng ngày hoặc đi du lịch để giúp vợ thoải mái hơn về mặt tinh thần.
- Về chế độ ăn uống: Phụ nữ sau khi bị sảy thai cần có một chế độ ăn uống khoa học, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung các vitamin cần thiết và acid folic, sắt; uống nhiều nước; tránh xa các loại thực phẩm nhiều tinh bột, ít chất xơ, đồ ăn ngọt, đồ ăn có tính hàn, đồ ăn cay nóng, thực phẩm chứa chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,…
- Giữ vệ sinh vùng kín: Sau sảy thai, chị em phụ nữ tăng nguy cơ gặp phải các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa. Do đó, chị em cần chú trọng giữ gìn vệ sinh cá nhân hằng ngày bằng cách vệ sinh vùng kín 2 lần/ngày bằng nước ấm hoặc dung dịch vệ sinh chuyên dụng.
- Sinh hoạt vợ chồng: Các bác sĩ khuyến cáo chị em phụ nữ không nên quan hệ tình dục quá sớm sau khi sảy thai để tránh khỏi nguy cơ nhiễm trùng. Nếu chị em bị sảy thai sau 3 tháng đầu thì sau khoảng 2 – 3 tuần, chị em có thể sinh hoạt vợ chồng trở lại. Còn đối với trường hợp sảy thai từ tháng thứ 4 trở đi thì cần đợi khoảng 5 – 6 tuần.
- Công việc: Chị em phụ nữ sau sảy thai cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng (ít nhất một tuần), tránh làm những công việc nặng nhọc như: mang vác đồ nặng, xách nước, leo cầu thang nhiều,…, đồng thời hạn chế các động tác với cao, ngồi xổm hoặc gập bụng để tránh làm sai lệch vị trí bộ phận sinh dục hoặc gây thêm tổn thương cho tử cung.
Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc Vợ bị sảy thai chồng được nghỉ mấy ngày? Blog sức khoẻ Hoàn Mỹ Breast Care hy vọng hữu ích với bạn đọc. Mọi thắc mắc về vấn đề này, các bạn hãy vui lòng để lại bình luận
Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Xin cám ơn!