Xin Chào! Blog Hoàn Mỹ cập nhật kiến thức sức khoẻ A - Z
454 lượt xem

Thai 9 tuần bị ra máu có sao không?

Trong quá trình mang thai, bất kỳ vấn đề bất thường nào cũng có thể khiến mẹ bầu lo lắng, đặc biệt là tình trạng ra máu âm đạo. Vậy có thai 9 tuần bị ra máu có sao không ? Nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này như thế nào? Dưới đây là những chia sẻ cụ thể từ các chuyên gia Blog sức khoẻ Hoàn Mỹ Breast Care về vấn đề này !

MANG THAI 9 TUẦN BỊ RA MÁU NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?

Có đến 20 – 30 % thai phụ gặp phải tình trạng ra máu âm đạo với lượng nhiều hoặc ít trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Nếu lượng máu chảy ra ít, chỉ kéo dài một vài ngày và không đi kèm các biểu hiện bất thường như: Đau quặn bụng dữ dội, chuột rút,…thì đây không phải là dấu hiệu nguy hiểm.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu âm đạo khi mang thai 9 tuần, cụ thể như:

  • Quan hệ tình dục khi mang thai

Trong suốt thai kỳ, lưu lượng máu đến vùng xương chậu sẽ tăng lên. Do đó, nếu các mẹ bầu quan hệ tình dục mạnh bạo trong thời gian này thì sẽ có thể phá vỡ những mạch máu nhỏ và gây chảy máu âm đạo.

Để tránh tình trạng này, các cặp vợ chồng cần chú ý quan hệ nhẹ nhàng, lựa chọn những tư thế quan hệ an toàn, phù hợp, giảm tần suất quan hệ và tránh những động tác kích thích mạnh.

  • Ảnh hưởng từ việc khám thai

Nhiều trường hợp thai phụ khi đi khám thai,¸các bác sĩ sẽ sử dụng các thiết bị hoặc dùng tay đưa vào bên trong âm đạo để kiểm tra. Các mẹ bầu lúc này thường có cảm giác lo sợ nên sẽ kích thích tử cung co thắt, khiến bác sĩ khó thao tác chính xác và có thể gây chảy một ít máu ở bộ phận sinh dục của mẹ bầu.

Trong trường hợp này, các mẹ bầu không cần quá lo lắng vì lượng máu chảy ra khá ít, không gây đau đớn và tình trạng này sẽ hết hẳn sau một vài giờ.

  • Sảy thai

Sảy thai là cái chết tự nhiên của thai nhi trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Hầu hết các trường hợp sảy thai xảy ra là do những bất thường nhiễm sắc thể, khi thai nhi có quá nhiều hoặc không đủ nhiễm sắc thể thì sẽ không thể phát triển đúng cách. Chảy máu và chuột rút là hai dấu hiệu sảy thai thường gặp nhất. Ngoài ra, thai phụ bị sảy thai còn có thể gặp thêm các triệu chứng khác như: Đau bụng dưới, âm đạo tăng tiết dịch, mất các dấu hiệu thai nghén (buồn nôn, đau tức ngực, người mỏi mệt,…).

  • Mang thai ngoài tử cung

Mang thai ngoài tử cung là tình trạng trứng được thụ tinh không làm tổ trong buồng tử cung như bình thường, mà lại làm tổ và phát triển ở các vị trí khác như: Ống dẫn trứng, buồng trứng, ổ bụng,… Khi khối thai bị vỡ ra, thì sẽ gây chảy máu ồ ạt vào bên trong ổ bụng, khiến thai phụ bị đau bụng dữ dội, kéo dài, choáng váng, hoa mắt, khó thở, ngất xỉu, thậm chí dẫn tới sốc mất máu, đe dọa đến tính mạng.

Chảy máu âm đạo là dấu hiệu phổ biến nhất của tình trạng mang thai ngoài tử cung. Máu thường chảy ra ít, có màu nâu, đen. Các triệu chứng khác bao gồm: Đau vùng bụng dưới, đau vùng chậu, mức độ đau bụng sẽ tăng dần theo thời gian khi khối thai ngoài tử cung phát triển.

  • Viêm nhiễm phụ khoa

Trong quá trình mang thai, cơ thể mẹ bầu sẽ có nhiều sự thay đổi, sự gia tăng hàm lượng nội tiết tố có thể sẽ gây mất cân bằng độ pH ở âm đạo. Từ đó, tạo môi trường thuận lợi cho các loại tác nhân gây hại phát triển và gây các bệnh viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, viêm vùng chậu,… Tình trạng viêm nhiễm có thể gây kích thích, tổn thương và dẫn đến tình trạng chảy máu âm đạo.

Ngoài dấu hiệu ra máu âm đạo, người bệnh còn có thể gặp thêm các triệu chứng bất thường khác như: Khí hư tiết ra nhiều, có màu bất thường và mùi hôi khó chịu; ngứa ngáy, đau rát vùng kín; tiểu buốt, tiểu rắt; đau khi quan hệ,…

MANG THAI 9 TUẦN BỊ RA MÁU CÓ SAO KHÔNG?

Như chia sẻ ở trên, tình trạng mang thai 9 tuần bị ra máu có thể có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe của mẹ bầu hoặc thai nhi đang gặp nguy hiểm. Do đó, khi nhận thấy triệu chứng xuất huyết thì tốt nhất các thai phụ nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Thai phụ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai sẽ có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng thai kỳ nguy hiểm như: Sảy thai, sinh non, thai chết lưu, suy dinh dưỡng bào thai,… Ngoài ra, các tác nhân gây bệnh cũng có thể xâm nhập vào cơ thể thai nhi trong quá trình sinh thường, khiến em bé gặp nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Nguy hiểm hơn, đối với trường hợp thai phụ bị mang thai ngoài tử cung, nếu khối thai bị vỡ ra thì có thể gây chảy máu tràn vào ổ bụng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của mẹ bầu nếu không được cấp cứu kịp thời.

PHẢI LÀM SAO KHI MẸ BẦU BỊ CHẢY MÁU ÂM ĐẠO ?

Ra máu khi mang thai có thể là hiện tượng sinh lý bình thường, song đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý cũng như biến chứng thai kỳ nguy hiểm. Do đó, khi thấy tình trạng chảy máu âm đạo kéo dài nhiều ngày, không thuyên giảm đi kèm cùng với các biểu hiện bất thường như: Đau bụng dưới, chuột rút, khí hư ra nhiều,…thì các mẹ bầu cần chủ động đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa ngay để được kiểm tra, xác định nguyên nhân và có hướng xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, các chị em cũng cần chú ý thực hiện những việc dưới đây:

  • Theo dõi mức độ và thời gian chảy máu

Khi thấy xuất hiện triệu chứng chảy máu âm đạo, thai phụ cần phải chú ý theo dõi tần suất xuất hiện, lượng máu chảy ra cũng như đặc điểm máu chảy. Nếu lượng máu chảy ra nhiều, ồ ạt kèm theo các triệu chứng bất thường như: Đau bụng, chuột rút,… thì cần đến các cơ sở y tế ngay lập tức. Nếu lượng máu chảy ra ít, nhỏ giọt và chỉ xuất hiện một vài lần, không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thì các chị em không cần quá lo lắng vì đây thường là dấu hiệu lành tính.

  • Nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng

Những tháng đầu của thai kỳ là thời điểm vô cùng nhạy cảm đối với sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Do đó, trong thời gian này, các mẹ bầu nên tránh vận động mạnh, làm việc quá sức, ngồi hoặc đứng lâu một chỗ hay mang vác vật nặng.

  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ

Do sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai, các mẹ bầu sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, dẫn đến tình trạng ra máu âm đạo. Vì thế, các mẹ cần chú ý vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách bằng dung dịch vệ sinh chuyên dụng, có độ pH phù hợp. Lưu ý không thụt rửa quá sâu vào bên trong sẽ gây mất cân bằng độ pH âm đạo, dẫn đến viêm nhiễm vùng kín, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.

CÁCH KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG MANG THAI 9 TUẦN BỊ RA MÁU ÂM ĐẠO

Thông thường, các bác sĩ căn cứ vào từng nguyên nhân, mức độ bệnh lý và tình trạng sức khỏe của từng thai phụ để đưa ra biện pháp khắc phục tình trạng ra máu âm đạo khi mang thai phù hợp nhất.

  1. Đối với những thai phụ bị sảy thai: Nếu kết quả bị sảy thai và tử cung không bị viêm nhiễm thì các thai phụ sẽ không cần điều trị. Nếu thai phụ có dấu hiệu nhiễm trùng, các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc hoặc thực hiện thủ thuật để loại bỏ các mô, bào thai còn sót lại trong tử cung ra bên ngoài.
  2. Đối với những thai phụ bị mang thai ngoài tử cung: Nếu khối thai có kích thước nhỏ, chưa bị vỡ ra thì các bác sĩ sẽ tiến hành tiêm thuốc để giúp khối thai tự tiêu. Nếu khối thai có kích thước lớn (trên 3 cm) thì sẽ được chỉ định phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở.
  3. Đối với những thai phụ bị viêm nhiễm phụ khoa: Các bác sĩ sẽ chỉ định thai phụ sử dụng viên đặt phụ khoa hoặc thuốc bôi tại chỗ để cải thiện nhanh các triệu chứng của bệnh. Các loại thuốc này sẽ cho tác dụng tại chỗ, ít được hấp thu qua đường toàn thân nên sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.

Trên đây là chia sẻ cụ thể về vấn đề mang thai 9 tuần bị ra máu có sao không ?. Blog sức khoẻ Hoàn Mỹ Breast Care mong rằng có thể giúp các chị em bổ sung thêm những thông tin hữu ích. Mọi thắc mắc về vấn đề này, các chị em hãy vui lòng để lại bình luận.

Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Xin cám ơn!

Để lại một bình luận