Đậu bắp là một trong những loại rau củ rất quen thuộc trong nền ẩm thực Việt Nam. Đây là loại rau được đánh giá là có hàm lượng dinh dưỡng cao và ngày càng được nhiều người lựa chọn vào thực đơn ăn uống hàng ngày. Tuy nhiên, ăn đậu bắp có nổi mụn không? là thắc mắc của rất nhiều người hiện nay. Nếu bạn cũng đang quan tâm đến vấn đề này, hãy cùng Blog sức khoẻ Hoàn Mỹ theo dõi nội dung bài viết dưới đây.
Giới thiệu về đậu bắp và thành phần dinh dưỡng
Đậu bắp hay còn được gọi là bắp còi, gôm, mướp tây, bông vàng, bắp chà hay thảo cà phê,… là một loại thực vật có nguồn gốc từ Tây Phi. Đậu bắp được trồng phổ biến ở các vùng ôn đới hay nhiệt đới, đặc biệt là miền Nam Hoa Kỳ bởi có khả năng chịu nóng bức và khô hạn rất tốt. Đậu bắp cũng được trồng nhiều ở Việt Nam nhưng chủ yếu vẫn là ở các tỉnh miền Nam – nơi có khí hậu nóng bức rất phù hợp cho sự phát triển của loại cây này.
Đậu bắp là một loài thực vật có hoa có giá trị bởi quả non của chúng có thể ăn được. Cây đậu bắp có thể trồng thành cây một năm hoặc nhiều năm, có chiều cao lên đến 2,5m với lá dài và rộng khoảng 10 -20cm, xẻ thùy chân vật với 5 – 7 thùy. Hoa đậu bắp là hoa 5 cánh màu trắng hoặc vàng, có đường kính 4 – 8cm, tại phần gốc mỗi cánh hoa thường có các đốm màu đỏ hay màu tía.
Quả đậu bắp có màu xanh lá, có chiều dài lên đến 20cm. Dọc thân quả đậu bắp có các đường gân và cách đều nhau, bên trong quả có nhiều hạt màu trắng. Đậu bắp có độ nhớt đặc trưng và có hương vị thơm ngon, mát mẻ.
Ngày nay, quả đậu bắp ngày càng được nhiều người ưa chuộng và sử dụng rộng rãi, trở thành món ăn quen thuộc hàng ngày ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đậu bắp cung cấp nhiều thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Cụ thể, theo Cơ sở Dữ liệu dinh dưỡng quốc gia Mỹ, một chén đậu bắp khoảng 100g có chứa:
– 33 calo
– 1,93g protein
– 0,19g chất béo
– 7,45g carbohydrate
– 3,2g chất xơ
– 1,48g đường.
Các chuyên gia đánh giá khẩu phần đậu bắp này có thể đáp ứng 66% vitamin K, 50% mangan, 35% vitamin C, 22% folate, 14% magiê, 13% thianin cho nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của cơ thể người bình thường. Ngoài ra, đậu bắp cũng cung cấp canxi, sắt, vitamin A, niacin, phốt pho và đồng – những dưỡng chất rất cần thiết cho cơ thể.
Ăn đậu bắp có nổi mụn không?
Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra rằng ăn đậu bắp có gây nổi mụn. Ngược lại, đậu bắp còn có tác dụng làm đẹp da, trị mụn và chống nhăn rất hiệu quả. Nguyên nhân là do đậu bắp có chứa nhiều các chất chống oxy hóa có tác dụng đẩy lùi các gốc tự do gây hại, giảm mụn trứng cá và các bệnh ngoài da, đồng thời giúp làm chậm quá trình lão hóa da và ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa xuất hiện như: nếp nhăn, vết chân chim,…
Bên cạnh đó, trong đậu bắp còn chứa nhiều chất nhầy, pectin, sắt và canxi, vitamin A, vitamin C,… có khả năng giúp chữa lành, tái tạo và bảo vệ những làn da bị tổn thương do mụn.
Bạn có thể tham khảo một số cách trị mụn, dưỡng da bằng đậu bắp rất đơn giản, an toàn và tiện lợi như sau:
- Cách trị mụn bằng đậu bắp đơn giản nhất
Lấy khoảng 2- 3 trái đậu bắp, rửa sạch với nước và đem giã nhuyễn rồi đắp lên vùng da bị mụn khoảng 15 phút. Sau đó rửa sạch lại mặt bằng nước lạnh. Bạn có thể lặp lại hàng ngày, mỗi ngày 1 lần để đạt được hiệu quả rõ rệt nhất. Tuy nhiên, nếu trong quá trình đắp, bạn cảm thấy châm chích, nóng rát và khó chịu ở da thì nên đi rửa mặt ngay với nước lạnh để tránh bị kích ứng, khiến tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn.
- Trị mụn bằng đậu bắp và chanh
Những thành phần có trong đậu bắp khi kết hợp với vitamin C trong chanh sẽ là “thần dược” giúp cải thiện tình trạng mụn và làm đẹp da hiệu quả.
Cách làm rất đơn giản: bạn chỉ cần rửa sạch và giã nhuyễn khoảng 2 – 3 trái đậu bắp, đem lọc qua rây để bỏ bã, chỉ lấy phần nước. Sau đó, đem nước đậu bắp trộn đều với nước cốt chanh. Sử dụng hỗn hợp này thoa đều lên da, mát xa nhẹ nhàng trong khoảng 10 -15 phút rồi rửa mặt sạch với nước ấm.
Cách làm này sẽ giúp giảm thâm, mụn, cải thiện làn da không đều màu và giúp da trắng sáng hơn.
- Chống nhăn bằng mặt nạ đậu bắp
Bạn hãy rửa sạch đậu bắp và tiến hành hấp hoặc luộc chín đậu bắp. Sau đó, dùng nĩa hoặc muỗng dằm nhuyễn đậu bắp thành hỗn hợp đặc sền sệt. Thoa hỗn hợp này lên da và để khoảng 5 phút rồi rửa lại mặt với nước lạnh.
Bạn có thể thực hiện cách này 2 -3 lần/tuần và lưu ý nếu cảm thấy châm chích cần dừng lại và đi rửa mặt sạch với nước lạnh ngay.
Ăn đậu bắp có tác dụng và tác hại gì?
+ Tác dụng
Đậu bắp là loại thực vật cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể con người như: protein, vitamin A, E, B, axit amin, kali, canxi,… Do đó, ăn đậu bắp đem lại nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe như:
- Tốt cho người bị tiểu đường
Đậu bắp chứa các chất như insulin có tác dụng hỗ trợ giảm lượng đường trong máu và từ đó giúp ích cho quá trình điều trị bệnh tiểu đường. Các chuyên gia sức khỏe khuyên rằng người mắc bệnh tiểu đường có thể bổ sung thêm đậu bắp vào thực đơn như uống nước ép đậu bắp, ăn đậu bắp luộc,… để có thể kiểm soát và cải thiện tình trạng bệnh tiểu đường.
- Phòng ngừa bệnh thiếu máu
Đậu bắp cung cấp hàm lượng dưỡng chất tương đối dồi dào như: vitamin K, vitamin B, kẽm, kali, sắt, mangan và magie,… Đây đều là những dưỡng chất quan trọng có tác dụng kích thích cơ thể sản sinh ra tế bào hồng cầu. Do đó, bổ sung đậu bắp vào thực đơn ăn uống hàng ngày có thể giúp bạn phòng ngừa và cải thiện đáng kể chứng thiếu máu.
- Tốt cho sức khỏe hệ tiêu hóa
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đậu bắp là loại thực phẩm rất tốt cho hệ tiêu hóa, có thể giúp cải thiện chức năng hoạt động của hệ tiêu hóa. Tác dụng này là nhờ chất nhầy dính trong đậu bắp được tạo thành từ polisaccarit như collagen và mucopolysacarit có khả năng cải thiện và nuôi dưỡng vi sinh vật có lợi cho đường ruột (lợi khuẩn). Ăn đậu bắp sẽ giúp nhuận tràng và hỗ trợ các vấn đề, bệnh lý về rối loạn đường tiêu hóa.
Ngoài ra, hàm lượng chất xơ phong phú trong đậu bắp kết hợp cùng chất nhầy sẽ giúp điều hòa sự hấp thụ dưỡng chất của ruột non giúp điều chỉnh lượng đường huyết. Chất nhầy trong đậu bắp còn là môi trường lý tưởng để lợi khuẩn đường ruột sản sinh và phát triển, đồng thời giúp bôi trơn đường ruột hiệu quả.
- Hỗ trợ điều trị bệnh loãng xương
Chất nhầy trong đậu bắp có tác dụng bôi trơn xương khớp rất tốt. Đồng thời, đậu bắp có chứa nguồn vitamin K và folate có tác dụng giúp ngăn ngừa tình trạng mất canxi, từ đó phòng bệnh loãng xương và giúp xương ngày càng khỏe mạnh, chắc chắn và ổn định các khớp.
- Kiểm soát cân nặng
Nguồn chất xơ vô cùng dồi dào trong đậu bắp, bao gồm cả chất xơ hòa tan và không hòa tan, rất có lợi cho những người có mong muốn giảm cân, lấy lại vóc dáng. Hơn nữa, lượng calories trong đậu bắp rất thấp nên đây là một món ăn lý tưởng giúp bạn kiểm soát cân nặng an toàn, hiệu quả.
- Điều trị chứng bệnh táo bón
Đậu bắp cung cấp hàm lượng chất xơ lớn có khả năng hấp thụ nước làm thành khối phân lớn, đồng thời giúp kiểm soát nồng độ cholesterol xấu trong máu, từ đó hỗ trợ ngăn ngừa và điều trị tình trạng táo bón.
- Hỗ trợ trị ho và viêm họng
Nước ép đậu bắp là vị thuốc có tác dụng cải thiện các triệu chứng ho và viêm họng bởi nó có đặc tính kháng khuẩn và diệt khuẩn rất tốt. Cách làm nước ép đậu bắp cũng rất đơn giản: bạn hãy lấy lá và rễ cây đậu bắp và rửa thật sạch, cắt nhỏ ra rồi đem phơi khô. Sau đó, sắc đậu bắp khô (khoảng 10 -16g) thành nước uống hoặc dùng để súc miệng hàng ngày.
- Cải thiện chức năng sinh lý ở nam giới
Các chuyên gia sức khỏe đã phát hiện rằng đậu bắp là một loại “thần dược” giúp cải thiện chức năng sinh lý ở phái mạnh. Trong đậu bắp có chứa thành phần dạng glucide phức polysaccharide cùng một số dưỡng chất khác có khả năng tăng cường độ dòng máu chảy đến các cơ quan sinh dục, gây cương cứng cho “cánh mày râu”.
- Hỗ trợ trị bệnh hen suyễn
Đậu bắp cung cấp hàm lượng vitamin C cùng chất chống oxy hóa có tác dụng cải thiện các vấn đề đường hô hấp, điển hình là bệnh hen suyễn. Chính vì vậy, những người bị bệnh hen suyễn có thể bổ sung thêm đậu bắp vào chế độ ăn của mình để làm giảm thiểu phần nào các triệu chứng của bệnh.
+ Tác hại
Mặc dù đậu bắp rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, ăn quá nhiều đậu bắp và ăn không đúng cách có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe như:
- Tăng nguy cơ sỏi thận
Hàm lượng oxalat trong đậu bắp là tương đối lớn. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu oxalat có thể khiến bạn có nguy cơ cao bị mắc bệnh sỏi thận dạng canxi oxalat. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo những người đang mắc bệnh sỏi thận nên tránh ăn nhiều đậu bắp và các loại thực phẩm giàu chất oxalat.
- Gây ra tình trạng tiêu chảy
Tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa fructans như đậu bắp có thể gây ra hiện tượng tiêu chảy, đầy hơi, chuột rút ở những người có sức khỏe đường ruột không ổn định, nhất là những người bị hội chứng ruột kích thích.
- Có thể gây viêm khớp
Đậu bắp có chứa hoạt chất solanine – một thành phần gây ảnh hưởng không tốt đến tình trạng viêm khớp. Tuy nhiên, trường hợp này không phổ biến và chỉ có một tỷ lệ nhỏ người có thể sẽ bị tăng tình trạng đau khớp và viêm khớp. Do đó, những người mắc chứng viêm khớp nên lưu ý khi sử dụng đậu bắp.
- Không tốt cho bệnh đông máu
Những người đang sử dụng thuốc chống đông máu không nên sử dụng đậu bắp bởi hàm lượng vitamin K trong loại rau này có tác dụng ngược, có thể làm hình thành huyết khối, khiến cho đường truyền máu tới tim hoặc não bị tắc nghẽn gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin cụ thể xoay quanh thắc mắc ăn đậu bắp có nổi mụn không? Nếu còn điều gì thắc mắc về vấn đề này, bạn vui lòng để lại bình luận.
Nguồn tham khảo:
+ Bạn có biết tác dụng của đậu bắp với sức khỏe quý ông? https://suckhoedoisong.vn/ban-co-biet-tac-dung-cua-dau-bap-voi-suc-khoe-quy-ong-n78052.html Truy cập ngày 14/12/2019.
Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Xin cám ơn!