Xin Chào! Blog Hoàn Mỹ cập nhật kiến thức sức khoẻ A - Z
361 lượt xem

Thai 12 tuần 2 ngày nặng bao nhiêu?

Bước sang tuần thứ 12 của thai kỳ, thai nhi đã dần phát triển và hoàn thiện hầu hết các cơ quan quan trọng trong cơ thể. Chắc hẳn lúc này các mẹ đều rất tò mò muốn biết thai 12 tuần 2 ngày nặng bao nhiêu? Phát triển như thế nào? Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giúp các chị em giải đáp băn khoăn này !

THAI 12 TUẦN 2 NGÀY NẶNG BAO NHIÊU?

Mẹ bầu mang thai 12 tuần tức là đang ở tháng cuối cùng của giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên. Thai nhi ở tuần thứ 12 sẽ có chiều dài tính từ đầu đến mông vào khoảng 5.5 cm và nặng khoảng 15 gram, tương đương với 1 quả chanh ta. Lúc này, bé đã hình thành gần như đầy đủ các bộ phận, hệ cơ quan và sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng trong những tuần tiếp theo.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THAI NHI TUẦN 12

Bước phát triển đáng chú ý nhất của thai 12 tuần tuổi đó chính là các phản xạ. Lúc này, các ngón tay của của thai nhi đã có thể gấp duỗi, các ngón chân cong lên và miệng của bé đã có phản xạ mút. Trên thực tế, nếu các mẹ gõ hay chọc nhẹ vào bụng thì cơ thể bé sẽ ngọ nguậy để phản ứng lại. Tuy nhiên, phải đến tuần thứ 16 của thai kỳ thì các mẹ mới có thể cảm nhận rõ hơn những cử động của thai nhi.

Phần ruột của bé trước đây nối trực tiếp vào dây rốn và phát triển nhanh chóng bên ngoài cơ thể, thì trong tuần thai này đã gấp lại gọn gàng và di chuyển dần vào trong khoang bụng. Ngoài ra, trong tuần thai này, thận đã bắt đầu hoạt động và bài tiết nước tiểu.

Số lượng những tế bào thần kinh và khớp thần kinh cũng đang nhân lên nhanh chóng trong não thai nhi. Phần cổ của em bé trong tuần thai này cũng đã hình thành rõ rệt hơn, khiến phần đầu và thân mình không còn trông giống như đang dính liền vào nhau nữa. Khuôn mặt thai nhi lúc này đã gần giống như người bình thường, đôi mắt đã di chuyển từ hai bên ra mặt trước của đầu và đôi tai cũng đã vào đúng vị trí.

Khi đi siêu âm thai 12 tuần, các mẹ bầu có thể nghe thấy nhịp tim thai. Lúc này, nhịp tim của bé thường cao gấp đôi, gấp ba so với người trưởng thành.

SỰ THAY ĐỔI CỦA MẸ BẦU Ở TUẦN THỨ 12

Ở tuần thai thứ 12, mẹ bầu sẽ có những thay đổi nhất định cả về thể chất lẫn tâm lý. Cụ thể như sau:

  • Những thay đổi về thể chất của mẹ bầu mang thai tuần 12

Ở tuần thai thứ 12, nồng độ hormone hCG không còn cao và dần trở nên ổn định hơn, khiến cho các mẹ giảm buồn nôn rõ rệt so với những tuần đầu tiên của thai kỳ. Tuy nhiên, có một số trường hợp thai phụ vẫn có cảm giác buồn nôn như trước và triệu chứng ốm nghén có thể kéo dài cho đến hết thời gian mang thai.

Lúc này, cơ thể của mẹ bầu cũng trở nên đầy đặn và bụng to hơn. Đặc biệt, đối với những thai phụ mang đa thai thì phần bụng cũng sẽ to hơn nhiều lần so với người bình thường. Đã đến lúc các mẹ nên sắm cho mình các bộ quần áo mới rộng rãi, có phần eo hạ thấp, dành riêng cho bà bầu.

Ngoài ra, sự gia tăng nồng độ hormone progesterone khi mang thai có thể làm thả lỏng vách ngăn giữa dạ dày và thực quản, khiến cho các mẹ bầu xuất hiện triệu chứng ợ chua, ợ nóng, gây cảm giác khó chịu.

Tình trạng ra nhiều khí hư vẫn tiếp tục diễn ra ở tuần thai này. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường ở phụ nữ mang thai, nên các chị em không cần quá lo lắng.

  • Những thay đổi về cảm xúc khi mang thai tuần 12

Khi nhận thấy cơ thể tăng cân nhanh chóng thì các mẹ bầu chắc hẳn sẽ cảm thấy lo lắng và tự ti. Ngoài ra, sự thay đổi hormone cũng sẽ khiến các mẹ thay đổi tâm trạng liên tục, “nắng mưa thất thường”. Có thể lúc trước các mẹ bầu đang rất phấn khích, vui vẻ nhưng ngay sau đó có thể bị tuột cảm xúc, buồn chán và lo âu.

LỜI KHUYÊN CỦA BÁC SĨ DÀNH CHO MẸ BẦU

Để đảm bảo thai nhi khỏe mạnh, phát triển tốt, các mẹ bầu cần lưu ý một số điều dưới đây:

  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng

Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, có nhiều mẹ bầu sẽ bị ốm nghén, hay cảm thấy buồn nôn khi nhìn thấy thức ăn. Tuy nhiên, đây là giai đoạn mà hầu hết các cơ quan quan trọng trong cơ thể thai nhi được hình thành. Do đó, dù không ăn được nhiều, thì các mẹ bầu vẫn cần đảm bảo ăn uống đủ chất để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Để giảm bớt tình trạng ốm nghén, các mẹ có thể chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, uống đủ nước và ăn nhiều các thực phẩm khô như: Bánh mỳ, gạo trắng,…

Chế độ ăn uống của phụ nữ mang thai cần đảm bảo đầy đủ 5 nhóm dưỡng chất thiết yếu, bao gồm: Chất bột đường (carbohydrate); chất đạm (protein); chất béo (lipid); chất xơ; vitamin và khoáng chất.

Đặc biệt, khi chuẩn bị mang thai hay vừa biết mình có thai, các mẹ bầu cần chú ý bổ sung axit folic để giúp phòng ngừa các dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Ngoài việc uống viên uống bổ sung axit folic, các mẹ có thể bổ sung thêm các loại thực phẩm chứa nhiều axit folic như: Bông cải xanh, cải bó xôi, măng tây, ngũ cốc thô, các loại hạt,…vào thực đơn hàng ngày.

Bên cạnh đó, các mẹ cần tránh tiêu thụ các loại thực phẩm không tốt cho thai kỳ như: đồ ăn tái, sống, món ăn chiên rán, có nhiều dầu mỡ, rau răm, rau ngót, mướp đắng… hay sữa và các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng.

  • Cung cấp đủ nước

Nước đóng một vai trò rất quan trọng trong việc duy trì hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Do đó, các mẹ bầu cần chú ý uống đủ từ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày để tăng cường quá trình trao đổi chất và cải thiện hệ tiêu hóa, ngăn ngừa tình trạng khó tiêu, táo bón thường gặp ở mẹ bầu.

  • Kiêng cữ trong việc làm đẹp

+ Tránh sử dụng các hóa chất nhuộm, uốn, ép tóc bởi các sản phẩm này có chứa amino và nitro rất dễ gây dị ứng cũng như các bệnh đường hô hấp và ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của em bé.

+ Tránh sơn móng tay, móng chân: Trong thành phần của các loại sơn móng tay, móng chân có chứa nhiều hóa chất độc hại, đặc biệt là phthalates. Nếu thường xuyên sử dụng các sản phẩm này thì sẽ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển hệ thần kinh và trí não của thai nhi.

  • Cẩn trọng trong việc sử dụng thuốc

Đối với việc dùng thuốc, các mẹ bầu cần phải hết sức thận trọng, tuyệt đối không được tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định bác sĩ chuyên khoa. Bởi các thành phần có trong thuốc có thể đi qua nhau thai và tác động xấu đến sức khỏe của thai nhi. Nếu có vấn đề về sức khỏe, các mẹ bầu đi thăm khám bác sĩ để được kê đơn và hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn.

  • Tránh sử dụng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác

Việc mẹ bầu sử dụng các chất kích thích trong thời gian mang thai có thể làm tăng các nguy cơ như: Sinh non, sảy thai, trẻ sơ sinh bị nhẹ cân, thai bị dị tật bẩm sinh và thai chết lưu.

  • Chú ý nghỉ ngơi điều độ

Các mẹ bầu cần sắp xếp lịch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Tránh làm việc nặng nhọc, quá sức, làm trong môi trường độc hại hoặc làm những công việc đòi hỏi phải đứng lâu, cúi nhiều.

  • Vận động nhẹ nhàng, vừa sức

Việc tập yoga, thiền sẽ giúp các mẹ bầu thư giãn tinh thần đồng thời cũng giúp tăng cường cung cấp oxy cho bào thai. Ngoài ra, các thai phụ cũng có thể đi bộ nhẹ nhàng để giúp thúc đẩy quá trình lưu thông máu, hạn chế tình trạng chuột rút, sưng phù chân khi mang thai.

  • Duy trì tâm trạng thoải mái, tích cực

Các mẹ bầu mới có thai thường dễ thay đổi tâm trạng, thường xuyên cảm thấy buồn bực, cáu gắt, sẽ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé trong bụng. Lúc này, các mẹ hãy thử thực hiện các biện pháp giúp thư giãn như: Nghe nhạc thai giáo, đọc sách hoặc tập thiền.

Hy vọng những thông tin trên đây có thể giúp các mẹ biết được thai 12 tuần 2 ngày nặng bao nhiêu? Phát triển như thế nào? Nếu như còn bất cứ thắc mắc nào, các bạn hãy vui lòng nhấp chuột để lại bình luận

Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Xin cám ơn!

Để lại một bình luận