Xin Chào! Blog Hoàn Mỹ cập nhật kiến thức sức khoẻ A - Z
980 lượt xem

Ung thư vú có mấy giai đoạn?

Ung thư vú là một bệnh ung thư nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao hàng đầu ở nữ giới. Giống như các căn bệnh ung thư khác, ung thư vú cũng cần phải trải qua các giai đoạn phát triển trong thời gian dài rồi mới bắt đầu di căn lan rộng ra nhiều nơi khác trên cơ thể. Việc chủ động tìm hiểu ung thư vú có mấy giai đoạn cùng với các biểu hiện điển hình của từng giai đoạn sẽ giúp các chị em chủ động nhận biết sớm và điều trị kịp thời, làm tăng tỷ lệ điều trị thành công.

TÌM HIỂU VỀ BỆNH UNG THƯ VÚ

Bệnh ung thư vú xảy ra khi có những khối u ác tính phát triển ở các tế bào vú. Khối u ác tính là tập hợp các tế bào ung thư có thể phát triển rất nhanh ở các mô xung quanh, hoặc có thể lan rộng tới các bộ phận khác trong cơ thể. Bệnh ung thư vú chủ yếu xảy ra ở nữ giới. Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp nam giới mắc căn bệnh này. Cứ 100 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú thì trong đó có một người là nam giới.

Phát hiện sớm chính là chiếc chìa khóa quan trọng trong điều trị bất kỳ bệnh lý nào, nhất là bệnh ung thư. Ung thư vú có tiên lượng khá tốt đối với những bệnh nhân phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn đầu, làm tăng cơ hội sống sót.

Ung thư vú có mấy giai đoạn

UNG THƯ VÚ CÓ MẤY GIAI ĐOẠN?

Bệnh ung thư vú có mấy giai đoạn? Thông thường, bệnh ung thư vú sẽ trải qua 5 giai đoạn phát triển, bao gồm: giai đoạn 0, giai đoạn 1, giai đoạn 2, giai đoạn 3 và giai đoạn cuối. Việc xác định chính xác bệnh nhân bị ung thư vú đang ở giai đoạn nào sẽ là cơ sở quan trọng để các bác sĩ có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp và hiệu quả.

  • Ung thư vú giai đoạn 0: Giai đoạn tiền ung thư

Đây là giai đoạn sớm nhất của bệnh ung thư vú. Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư chỉ mới bắt đầu tăng trưởng bất thường trong các ống dẫn sữa chứ chưa xâm lấn đến các mô khác bên trong vú cũng như cơ quan khác trong cơ thể.

Ung thư vú giai đoạn 0 thường không gây ra bất kỳ triệu chứng bất thường nào, nên người bệnh rất khó nhận biết. Bệnh chỉ được phát hiện ra khi thực hiện xét nghiệm sàng lọc hoặc chẩn đoán các bệnh liên quan. Việc phát hiện bệnh ung thư vú ngay từ giai đoạn đầu sẽ có tiên lượng điều trị rất tốt, khả năng chữa khỏi có thể lên đến 90-100%. Các phương pháp điều trị bệnh ung thư vú trong giai đoạn này là: phẫu thuật cắt bỏ và sử dụng thêm phương pháp xạ trị.

  • Giai đoạn I: Xâm lấn

Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư đã không còn nằm yên ở vị trí xuất phát mà bắt đầu xâm lấn sang các mô vú khỏe mạnh. Giai đoạn I được chia làm 2 phần nhỏ:

  1. Giai đoạn IA: Khối u ác tính có kích thước nhỏ hơn 2cm gần bằng kích cỡ của một hạt đậu phộng. Các tế bào ung thư lúc này vẫn nằm khu trú bên trong vú, chưa lan ra các bộ phận khác trong cơ thể. Đồng thời, các hạch bạch huyết cũng vẫn chưa bị ảnh hưởng.
  2. Giai đoạn IB: Khi bệnh ung thư vú đã chuyển sang giai đoạn này, các tế bào ung thư đã bắt đầu xuất hiện ở các hạch bạch huyết tại vùng dưới cánh tay.

Giai đoạn 1 vẫn được coi là giai đoạn sớm của bệnh ung thư vú. Thông thường, ở giai đoạn này, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ và tiến hành xạ trị sau đó. Trong trường hợp khối u phát triển quá lớn, các bác sĩ sẽ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện hóa trị sau khi tiến hành lấy mẫu sinh thiết.  Nếu được điều trị kịp thời và đúng cách thì cơ hội sống sót ở giai đoạn I có thể lên đến 80 – 90%.

  • Giai đoạn 2

Ở giai đoạn 2, các khối u đã phát triển lớn hơn, có kích thước khoảng từ 2 – 5cm. Các tế bào ung thư vẫn còn được giới hạn bên trong vú hoặc mới chỉ lan sang các hạch bạch huyết gần đó. Giai đoạn này được chia nhỏ thành 2 giai đoạn 2A và 2B.

  1. Giai đoạn II A: Khối u có đường kính từ 2-5 cm tương đương với kích thước của một quả chanh. Tuy nhiên, các tế bào ung thư vẫn chưa di căn đến các hạch bạch huyết ở dưới cánh tay.
  2. Giai đoạn II B: Ở giai đoạn này, khối u có kích thước từ 2 đến 5cm và tìm thấy ít hơn 4 hạch bạch huyết ở vùng nách. Hoặc khối u có kích thước lớn hơn 5cm và chưa lan đến bất kỳ hạch bạch huyết nào ở nách.

Phương pháp điều trị bệnh ung thư vú ở giai đoạn II bao gồm: phẫu thuật cắt bỏ khối u và tuyến vú kết hợp với xạ trị, hóa trị và kích thích tố.

  • Giai đoạn 3: Lan rộng

Giai đoạn này còn được gọi là giai đoạn ung thư vú tiến triển cục bộ. Ở giai đoạn 3, các tế bào ung thư đã phát triển và lan ra da vú, thành vú hoặc từ 4 – 9 hạch bạch huyết tại vùng dưới cánh tay.

Thông thường, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị bệnh ung thư trong giai đoạn này là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú hoặc khối u kết hợp với phương pháp xạ trị. Ngoài ra, trong trường hợp bệnh nhân có khối u nguyên phát lớn thì các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện hóa trị để thu nhỏ kích thước khối u và loại bỏ hạch bạch huyết trước khi tiến hành phẫu thuật.

  • Giai đoạn 4: Di căn

Đây là giai đoạn cuối cùng và nguy hiểm nhất của bệnh ung thư vú. Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư đã lan rộng đến một hay nhiều bộ phận khác của cơ thể như: xương, não, gan và phổi. Việc điều trị bệnh ung thư vú ở giai đoạn cuối sẽ rất khó khăn và phức tạp. Tiên lượng sống của bệnh nhân bị ung thư vú ở giai đoạn này cũng không cao. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm sẽ rơi vào khoảng 25%.

Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất, do đó việc sử dụng các loại thuốc toàn thân kết hợp với việc phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị là giải pháp duy nhất mà bác sĩ có thể đưa ra.

CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH UNG THƯ VÚ MÀ CÁC CHỊ EM CẦN PHẢI CẢNH GIÁC

Ở giai đoạn đầu, bệnh ung thư vú thường không gây đau đớn hay bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác. Theo khảo sát cho thấy: Có đến 10% bệnh nhân mắc bệnh ung thư vú không có cảm giác đau đớn, không thấy khối u hoặc xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác. Tuy nhiên, khi khối u vú phát triển lớn hơn, thì bệnh có thể sẽ gây ra các triệu chứng bất thường dưới đây:

  1. Có cảm giác đau, khó chịu ở vùng ngực: Bệnh nhân có thể cảm thấy đau nhói ở ngực khi khối u lớn dần và chèn ép các mô xung quanh.
  2. Ngứa ngáy ở ngực: Các tế bào ung thư sinh sôi, nảy nở rất nhanh sẽ gây cản trở quá trình lưu thông máu, khiến cho làn da bị kích thích, nổi mẩn đỏ, sần sùi đi kèm với cảm giác đau ngứa.
  3. Đau lưng, vai, gáy: Bệnh nhân có thể cảm thấy đau nhức ở phần lưng trên hoặc giữa hai bả vai. Các triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với tình trạng giãn dây chằng hoặc các bệnh lý liên quan đến cột sống. Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa giải thích, khối u vú có thể phát triển, chèn ép lên xương sườn và xương sống nên gây ra tình trạng đau nhức lưng.
  4. Thay đổi ở da vùng vú: Vùng da vú xuất hiện nhiều nếp nhăn, bị lõm giống như lúm đồng tiền hoặc bị ửng đỏ, đóng vảy có thể là “lời cảnh báo” bệnh ung thư vú.
  5. Chảy dịch núm vú: Núm vú bị thụt vào bên trong và chảy dịch bất thường có màu vàng, thậm chí có lẫn máu.
  6. Sưng vú và các vùng lân cận: Bệnh nhân bị ung thư vú có thể thấy vùng ngực và vùng dưới cánh tay của mình bị sưng phù, thậm chí nổi u cục.

CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH UNG THƯ VÚ Ở NỮ GIỚI

Ung thư vú xảy ra khi có một số tế bào vú tăng trưởng bất thường. Các tế bào này phân chia nhanh hơn các tế bào khỏe mạnh và tích tụ lại, tạo thành một khối u. Các tế bào ung thư này có thể xâm lấn ra bên ngoài vú, đến các hạch bạch huyết hoặc các bộ phận khác trong cơ thể.

Các nhà nghiên cứu đã xác định một số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở nữ giới, đó là:

  1. Những phụ nữ sinh con muộn, vô sinh hoặc không cho con bú là những đối tượng có nguy cơ bị ung thư vú.
  2. Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình bạn có người từng mắc ung thư vú thì bạn cũng nên chủ động đi bệnh viện để thăm khám, kiểm tra. Bởi căn bệnh này có khả năng di truyền trong các thành viên trong gia đình.
  3. Những chị em có kinh nguyệt sớm (trước 12 tuổi) hay mãn kinh muộn (sau 55 tuổi) cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn bình thường.
  4. Việc sử dụng thuốc tránh thai liên tục trong thời gian dài hay áp dụng các liệu pháp hormone sau mãn kinh cũng có thể tạo điều kiện phát sinh ung thư vú.
  5. Lối sống không lành mạnh như: Chế độ dinh dưỡng không cân đối, ăn quá nhiều món ăn chiên rán, chứa nhiều chất béo bão hòa, thói quen ít vận động, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư vú.

PHÒNG NGỪA BỆNH UNG THƯ VÚ

GỢI Ý MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP PHÒNG NGỪA BỆNH UNG THƯ VÚ HIỆU QUẢ

Để phòng ngừa hiệu quả bệnh ung thư vú, các chị em nên chủ động nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân và thực hiện các biện pháp dưới đây:

  1. Tránh sử dụng thuốc lá và hít khói thuốc lá thụ động.
  2. Thường xuyên tự kiểm tra vú là biện pháp được nhiều bác sĩ khuyến cáo để phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư vú ngay tại nhà.
  3. Hạn chế việc sử dụng đồ uống có cồn bởi chúng có thể kích thích cơ thể sản xuất hormone estrogen, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phân chia tế bào. Từ đó, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
  4. Duy trì một lối sống khoa học, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, cân đối, hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa.
  5. Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao sẽ giúp các chị em tăng cường sức khỏe, duy trì cân nặng hợp lý, từ đó có thể làm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
  6. Chú động đi khám định kỳ ít nhất 6 tháng/lần để phát hiện sớm các vấn đề bất thường ở vú và có biện pháp điều trị kịp thời.

Hoàn Mỹ hy vọng qua bài viết trên đây, các bạn có thể nắm được bệnh ung thư vú có mấy giai đoạn và những triệu chứng điển hình của từng giai đoạn. Từ đó, có thể chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời.

Bài viết có tham khảo tài liệu tại:

+ Tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư vú từng giai đoạn https://vnexpress.net/tien-luong-song-cua-benh-nhan-ung-thu-vu-tung-giai-doan-4432815.html Truy cập ngày 8/4/2022

Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Xin cám ơn!

Để lại một bình luận