Xin Chào! Chào mừng bạn đến với Hoàn Mỹ Breast Care chuyên trang dinh dưỡng tư vấn ăn uống đúng cách an toàn.
164 lượt xem

Viêm gan c có lây qua đường ăn uống không?

Viêm gan C là một căn bệnh được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng” và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan… nếu không được điều trị kịp thời. Nhiều người lo lắng rằng viêm gan C có thể lây qua đường ăn uống. Vậy thực hư vấn đề này như thế nào? Viêm gan C có lây qua đường ăn uống không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp băn khoăn này và đưa ra những thông tin tổng quan về bệnh viêm gan C.

Bệnh viêm gan C

Bệnh viêm gan C là gì?

Viêm gan C là một tình trạng nhiễm trùng gan gây ra bởi siêu vi viêm gan C (HCV) (1). Bệnh viêm gan C gây viêm nhiễm và gây rối loạn chức năng cho các tế bào gan. Theo thời gian, tình trạng viêm trong mô gan có thể tạo thành tổn thương xơ chai vĩnh viễn, từ đó dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, trong đó có xơ gan và ung thư gan.

Viêm gan C có thể tồn tại dưới hai dạng chính:

  1. Viêm gan C cấp tính: Đây là tình trạng nhiễm trùng ngắn hạn, thường kéo dài trong khoảng 6 tháng sau khi virus gây viêm gan C xâm nhập vào cơ thể. Có một số trường hợp, khoảng 15-25% tự khỏi mà không cần điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, đa số trường hợp viêm gan C cấp tính sẽ chuyển thành dạng mãn tính.
  2. Viêm gan C mãn tính: Đây là tình trạng nhiễm trùng kéo dài hơn 6 tháng. Nếu không được điều trị, bệnh viêm gan C có thể tồn tại suốt đời và gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm suy chức năng gan, xơ gan, ung thư gan, và thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có khoảng 71 triệu người trên toàn thế giới đang mắc bệnh viêm gan C mãn tính.

Nguyên nhân gây bệnh viêm gan C

Viêm gan C là một bệnh do siêu vi viêm gan C (Hepatitis C Virus: HCV) gây ra. Đặc trưng của virus này là có tính đa hình thái kiểu gen cao. Hiện nay, giới y học đã xác định được sáu kiểu gen chính của virus này, được đánh số từ 1 đến 6. Ở Việt Nam, kiểu gen phổ biến nhất là kiểu gen 1, tiếp theo lần lượt là kiểu gen 6, 2 và 3. Sự khác biệt trong kiểu gen của virus HCV có ảnh hưởng đáng kể đến quá trình điều trị. Do đó, các khuyến cáo về cách điều trị viêm gan C sẽ thay đổi tùy thuộc vào kiểu gen cụ thể của virus mà bệnh nhân mắc phải.

Các con đường lây nhiễm viêm gan C

Bệnh viêm gan C có thể lây truyền theo ba con đường chính: đường máu, đường tình dục và từ mẹ truyền sang con qua quá trình sinh. Trong đó, viêm gan C lây nhiễm qua đường máu chiếm tỷ lệ cao nhất.

  • Viêm gan C lây truyền qua đường máu

Viêm gan C là một bệnh lây nhiễm chủ yếu qua đường máu. Người nhận máu hoặc các chế phẩm từ máu của người bệnh viêm gan C đều có thể bị lây nhiễm. Cụ thể như: Dùng chung kim tiêm; các vật dụng cá nhân có thể gây trầy xước hoặc chảy máu như dao cạo râu, kềm cắt móng tay, bàn chải đánh răng, cây lấy ráy tai, cây gãi lưng, dụng cụ cạo gió, lược chải đầu… hoặc xăm hình, bấm lỗ tai, châm cứu mà các vật dụng hành nghề chưa được xử lý vô trùng đều có thể trở thành nguồn lây nhiễm virus viêm gan C. Bên cạnh đó, việc chạy thận dài ngày, dùng chung trang thiết bị y tế bị nhiễm virus viêm gan C chưa được xử lý vô khuẩn cũng có thể khiến người lành mắc bệnh.

  • Viêm gan C lây truyền qua đường tình dục

Bệnh viêm gan C cũng có thể lây truyền qua đường tình dục. Người không bị nhiễm virus viêm gan C có thể bị lây nhiễm nếu có quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm bệnh. Trong trường hợp tinh dịch của người đàn ông nhiễm virus viêm gan C chứa máu và có tiếp xúc với vết trầy xước trong niệu đạo trong quá trình quan hệ tình dục, virus viêm gan C có thể dễ dàng tấn công và lây nhiễm sang người bạn tình của họ.

Mọi hành vi tình dục mà có khả năng gây tổn thương hoặc trầy xước đều có nguy cơ cao truyền nhiễm bệnh viêm gan C. Vì vậy, mỗi người cần có ý thức bảo vệ sự an toàn của bản thân và đối tác bằng cách thực hiện tình dục an toàn, giới hạn quan hệ tình dục một một vợ một chồng, tránh các hành vi tình dục có nguy cơ gây chảy máu, tránh quan hệ tình dục trong thời kỳ kinh nguyệt và sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm bệnh cho đối tác.

  • Viêm gan C lây truyền từ mẹ sang con

Viêm gan C có khả năng lây truyền từ mẹ sang con, tuy nhiên tỷ lệ này thường rất thấp, thường trên dưới 5%. Trẻ em cũng có nguy cơ nhiễm virus viêm gan C nếu mẹ đã mắc bệnh trong quá trình mang thai.

Đường lây truyền chính từ mẹ sang con là qua nhau thai trong quá trình sinh nở. Trong quá trình này, khi nhau thai bong tróc, virus viêm gan C có thể truyền từ mẹ sang con qua máu. Vì vậy, bất kể phương pháp sinh nở là sinh thường hay sinh mổ, mẹ mắc viêm gan C vẫn có thể lây truyền cho con.

Mặc dù virus viêm gan C không lây qua sữa mẹ nhưng những người mẹ bị nhiễm virus viêm gan C được khuyến nghị không nên cho con bú trực tiếp. Thay vào đó, họ nên vắt sữa và cho con bú bằng bình để tránh trường hợp đầu vú bị trầy xước và từ đó có thể lây truyền virus cho con.

Ngoài ra, cũng có một số trường hợp bị nhiễm viêm gan C mà không rõ con đường lây truyền cụ thể. Những trường hợp này có thể do bệnh nhân vô tình tiếp xúc với virus viêm gan C thông qua các vết thương do té ngã, trầy xước hoặc chấn thương gây đứt tay, đứt chân mà họ không nhận ra.

Viêm gan C có lây qua đường ăn uống không

Viêm gan C có lây qua đường ăn uống không?

Các chuyên gia sức khỏe cho biết viêm gan C không lây qua đường ăn uống. Virus viêm gan C chỉ lây truyền qua đường máu, khi máu hoặc dịch cơ thể của người bệnh xâm nhập vào cơ thể người lành. Do đó, bạn không thể bị lây nhiễm virus viêm gan C thông qua thực phẩm, nước uống hoặc các hình thức tiếp xúc hàng ngày khác nhau như: hôn, sờ chạm, nắm tay, hoặc sử dụng chung bát đũa…

Mọi người hãy cùng nhau hiểu rõ cách lây truyền bệnh viêm gan C để tự bảo vệ bản thân và giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Điều này sẽ giúp chúng ta xây dựng một cái nhìn chính xác hơn về bệnh tật và cách đối xử với những người bị nhiễm viêm gan C. Chúng ta cần tránh các thái độ kỳ thị và hành động thái quá đối với họ, và hãy nhớ rằng họ cũng cần có cuộc sống bình thường như bất kỳ ai khác mà không gây nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người khác.

Triệu chứng khi mắc bệnh viêm gan C

Bệnh viêm gan C là một căn bệnh phổ biến hiện nay và bệnh thường tiến triển một cách âm thầm và chậm rãi. Đáng chú ý là chỉ có khoảng 25% người mắc bệnh viêm gan C có biểu hiện một số triệu chứng ngoại vi, trong khi 75% người bệnh không nhận ra các triệu chứng tồn tại. Dưới đây là một số triệu chứng thông thường mà người bệnh có thể nhận ra:

  1. Mệt mỏi, uể oải và đau nhức cơ thể.
  2. Mất cảm giác thèm ăn, thường không có hứng thú với việc ăn và cảm thấy ăn không ngon miệng.
  3. Da và mắt bị chuyển sang màu vàng.
  4. Người bệnh cảm thấy mất động lực, lười hoạt động.
  5. Da trở nên sẫm màu.
  6. Thay đổi bất thường trong nước tiểu, thường xuất hiện nước tiểu có màu sậm hơn bình thường.
  7. Có một số triệu chứng tương tự như cúm, bao gồm sốt, cảm giác lạnh, đau đầu và đổ mồ hôi vào ban đêm.
  8. Giảm cân không rõ nguyên nhân.
  9. Lú lẫn, thường cảm thấy buồn ngủ và sa sút trí tuệ (bệnh não gan).
  10. Nổi rõ mạch máu trên da (Angiomas).
  11. Chướng bụng.
  12. Phù chân.
  13. Dễ bầm tím, chảy máu.

Một số biện pháp để sống chung an toàn với viêm gan C

Một số biện pháp để sống chung an toàn với viêm gan C

Viêm gan C có thể được phòng ngừa bằng cách tránh tiếp xúc với máu của người bị nhiễm bệnh. Dưới đây là một số phương pháp phòng ngừa lây nhiễm hiệu quả:

  1. Tuyệt đối không dùng chung kim tiêm: Đối với những người sử dụng ma túy qua đường tiêm, việc dùng chung kim tiêm là một nguy cơ lớn để lây nhiễm virus viêm gan C. Do đó, mọi người hãy chỉ sử dụng kim tiêm cá nhân và không dùng chung với người khác. Ngoài ra, mọi người cũng lưu ý rằng virus viêm gan C cũng có thể tồn tại trong các dụng cụ khác như ống hút, ống hít khi sử dụng ma túy trái phép.
  2. Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các chế phẩm từ máu: Đối với những người làm trong lĩnh vực y tế, xét nghiệm hoặc tiếp xúc với máu của người bệnh thì cần chú ý tuân thủ các biện pháp an toàn để tránh tiếp xúc trực tiếp với máu. Đồng thời, các thiết bị và dụng cụ y tế sau khi sử dụng cần được vứt bỏ một cách an toàn hoặc tiệt trùng đúng cách để ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan siêu vi C.
  3. Không dùng chung các vật dụng chăm sóc cá nhân: Để tránh lây nhiễm virus viêm gan C, các chuyên gia cũng khuyến cáo mọi người không dùng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, cắt móng tay và kéo với người bệnh. Điều này giúp ngăn ngừa việc tiếp xúc với máu và giảm nguy cơ lây lan virus.
  4. Chọn tiệm xăm và xỏ khuyên cẩn thận: Nếu bạn muốn thực hiện việc xăm hình hoặc xỏ khuyên, hãy chọn các tiệm uy tín và tuân thủ các quy trình vệ sinh phù hợp để đảm bảo an toàn và ngăn ngừa lây nhiễm virus viêm gan C.
  5. Quan hệ tình dục an toàn: Quan hệ tình dục không sử dụng các biện pháp bảo vệ là một trong những nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm gan C. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh hiệu quả, mọi người hãy sử dụng biện pháp bảo vệ như bao cao su khi quan hệ tình dục và tránh có quan hệ với các đối tác có tình trạng sức khỏe không đảm bảo.
  6. Duy trì lối sống lành mạnh: Mọi người hãy xây dựng chế độ ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn và duy trì cân nặng lý tưởng.
  7. Hạn chế tiếp xúc với chất độc hại cho gan: Tránh sử dụng thuốc lá, rượu bia và chất kích thích, cũng như tiếp xúc với hóa chất độc hại thường xuyên.
  8. Khám sức khỏe định kỳ: Điều này giúp phát hiện sớm các vấn đề về gan, bao gồm viêm gan C và các bệnh lý về gan khác.

NÊN XEM THÊM:

Trên đây là thông tin chi tiết giải đáp thắc mắc Viêm gan C có lây qua đường ăn uống không? Hy vọng có thể giúp ích được cho bạn đọc. Mọi thắc mắc về vấn đề này, các bạn hãy để lại bình luận cùng thảo luận

Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Xin cám ơn!