Xin Chào! Blog Hoàn Mỹ cập nhật kiến thức sức khoẻ A - Z
344 lượt xem

Sau sinh bao lâu thì có kinh?

Mang thai là khoảng thời gian mẹ bầu sẽ không thấy kinh nguyệt xuất hiện. Sau khi sinh con xong, cơ thể mẹ sẽ từ từ hồi phục về tình trạng ban đầu và kinh nguyệt sẽ xuất hiện trở lại. Vậy sau sinh bao lâu thì có kinh nguyệt lại? Kinh nguyệt trở lại có khác gì so với trước khi sinh? Bài viết dưới đây Blog sức khoẻ Hoàn Mỹ Breast Care sẽ giúp các chị em giải đáp những băn khoăn này !

SAU SINH BAO LÂU THÌ CÓ KINH NGUYỆT TRỞ LẠI?

Sau khi quá trình thụ tinh diễn ra, hợp tử sẽ di chuyển đến tử cung để làm tổ. Lúc này, lớp niêm mạc tử cung sẽ dày lên để tạo điều kiện thuận lợi cho phôi thai làm tổ và phát triển thành bào thai. Chính vì vậy mà người phụ nữ sẽ không có kinh nguyệt khi mang thai.

Sau khi sinh xong, nồng độ hormone estrogen và progesterone sẽ bắt đầu dần giảm xuống, trở về mức bình thường. Buồng trứng cũng dần trở lại hoạt động bình thường. Lớp niêm mạc tử cung sẽ dày lên và bị bong ra khi trứng không được thụ tinh. Lúc này, sản phụ sẽ thấy kinh nguyệt xuất hiện trở lại. Vậy sau sinh bao lâu thì có kinh nguyệt lại ?

Thông thường, đối với những phụ nữ không cho con bú thì sẽ có chu kỳ kinh đầu tiên sau khi sinh khoảng từ 6 – 8 tuần. Còn với các mẹ thường xuyên cho con bú thì kinh nguyệt sẽ xuất hiện trở lại muộn hơn, từ 3 – 6 tháng, thậm chí có thể lâu hơn. Nguyên nhân là do khi cho con bú, cơ thể mẹ bầu sẽ tiết ra hormone prolactin, làm thay đổi hoạt động của hệ trục vùng hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng, khiến kinh nguyệt trở lại chậm hơn. Do đó, cũng không có gì khó hiểu khi những mẹ bầu nuôi con bằng sữa mẹ thường sẽ có kinh nguyệt trở lại muộn hơn so với những mẹ nuôi con bằng sữa công thức.

Tính từ thời điểm sinh con, nếu sau 2 tháng ( đối với bà mẹ không cho con bú) hoặc 1 năm ( đối với bà mẹ cho con bú) mà không thấy kinh nguyệt xuất hiện trở lại, thì các mẹ nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, xác định nguyên nhân chính xác và có hướng xử lý kịp thời.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do sự thay đổi nội tiết tố, cân nặng; sử dụng các biện pháp tránh thai hay do sản phụ sau sinh mắc các bệnh lý phụ khoa. Ngoài ra, những áp lực khi chăm sóc con nhỏ sẽ khiến các mẹ bỉm bị căng thẳng, stress, có thể cáu giận, buồn chán gây rối loạn nội tiết, dẫn đến tình trạng kinh nguyệt đến muộn sau sinh.

DỊCH LỎNG CHẢY RA TỪ ÂM ĐẠO SAU SINH CÓ PHẢI LÀ KINH NGUYỆT?

Ngay sau khi sinh con, cho dù là sinh thường hay đẻ mổ, thì các sản phụ đều sẽ thấy có dịch chảy ra từ âm đạo. Đây được gọi là sản dịch sau sinh. Sản dịch sẽ bao gồm máu, các mô niêm mạc tử cung và có thể cả vi khuẩn.

Màu của sản dịch sẽ thay đổi từ màu đỏ tươi sang đỏ nâu kéo dài trong vòng 1 tuần. Sau đó, sản dịch sẽ chuyển sang màu nhạt hơn, có màu trắng đục hoặc màu vàng trong khoảng 10 ngày sau. Lượng sản dịch sẽ chảy ra nhiều hơn khi các mẹ hoạt động nhiều và làm việc quá sức. Hiện tượng này sẽ kéo dài khoảng từ 2 – 4 tuần tùy vào cơ địa của từng mẹ.

Tuy nhiên, nếu các mẹ sau sinh thấy có các dấu hiệu bất thường như: Sản dịch có mùi hôi tanh khó chịu, sốt cao, ớn lạnh, ra máu nhiều và kéo dài, xuất hiện các cục máu đông,… thì rất có thể các mẹ đang bị nhiễm trùng sau sinh. Lúc này, các mẹ cần chủ động đi thăm khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt để có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn những biến chứng phát sinh.

KINH NGUYỆT SAU KHI SINH CÓ GÌ KHÁC SO VỚI TRƯỚC SINH?

Khi bắt đầu có kinh trở lại, rất có thể kỳ kinh đầu tiên sau khi sinh sẽ không giống với những chu kỳ kinh trước khi mang thai. Máu trong chu kỳ kinh đầu tiên sau sinh thường có màu đỏ đậm, có lẫn các cục máu đông nhỏ và lượng máu chảy ra nhiều hơn so với bình thường.

Bên cạnh đó, các chị em cũng sẽ bị chuột rút, đau bụng kinh nhiều hơn so với trước đây. Thời gian ra máu hành kinh cũng có thể kéo dài hơn, lên đến 1 tuần.

Quá trình mang thai và sinh con đã tạo ra những sự thay đổi mạnh mẽ về nội tiết tố trong cơ thể. Vì vậy mà tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sinh, chẳng hạn như: thay đổi lượng máu kinh, kinh nguyệt tháng có tháng có,…là điều hoàn toàn bình thường. Sau một, hai chu kỳ đầu tiên thì kinh nguyệt của mẹ sẽ dần ổn định hơn, do đó các mẹ không cần phải quá lo lắng.

MỘT SỐ LƯU Ý KHI SẢN PHỤ SAU SINH CÓ KINH NGUYỆT TRỞ LẠI

Thông thường, khi kinh nguyệt mới trở lại sau sinh, thì nó sẽ chưa ổn định và có thể xảy ra tình trạng tháng có tháng không, lượng máu chảy ra nhiều hoặc ít hơn bình thường,… Để cải thiện tình trạng này, các mẹ cần lưu ý một số vấn đề dưới đây:

  1. Sau khi sinh, các mẹ bầu thường cảm thấy lo lắng, căng thẳng hơn, nhiều người thậm chí còn rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến nồng độ nội tiết tố trong cơ thể và khiến các mẹ dễ bị rối loạn kinh nguyệt sau sinh. Lúc này, các mẹ nên tâm sự người thân trong gia đình hoặc nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ tâm lý để giải tỏa căng thẳng, áp lực, giúp tâm trạng thoải mái hơn.
  2. Việc xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh và đủ chất sau sinh sẽ giúp cơ thể mẹ nhanh chóng phục hồi, điều hòa nội tiết tố và hạn chế tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sinh.
  3. Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin B, D như: Ngũ cốc, thịt heo, các loại rau xanh, các loại đậu, sữa và các sản phẩm từ sữa,…để hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt sau sinh.
  4. Chú ý vệ sinh cơ thể và vùng kín hàng ngày sạch sẽ và đúng cách. Thay băng vệ sinh mỗi 4 tiếng/ lần để ngăn ngừa các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa.
  5. Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng bụng dưới, chú ý nghỉ ngơi điều độ, tránh vận động mạnh, làm những công việc nặng nhọc.
  6. Nên kiêng quan hệ tình dục trong ít nhất 1 tháng đầu sau sinh.
  7. Khi kinh nguyệt trở lại đi có các dấu hiệu bất thường như: Máu kinh ra nhiều, có mùi hôi, vùng kín ngứa ngáy, đau rát, đau bụng dưới dữ dội,… thì các chị em nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

CÓ NÊN DÙNG TAMPON NGAY SAU KHI SINH?

Theo các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo: Phụ nữ sau sinh không nên sử dụng tampon và cốc nguyệt san khi kinh nguyệt trở lại. Thay vào đó, các chị em nên sử dụng các loại băng vệ sinh thông thường. Bởi việc này sẽ giúp các mẹ chủ động theo dõi được lượng máu kinh chảy ra. Từ đó, sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường và chủ động đi thăm khám kịp thời. Ngoài ra, bản thân người mẹ vừa trải qua quá trình sinh nở nên cơ thể còn rất yếu ớt, sức đề kháng bị suy giảm. Do đó, lúc này, các mẹ rất dễ mắc phải các bệnh viêm nhiễm. Nếu sử dụng cốc nguyệt san hay tampon trong thời gian này thì sẽ dẫn đến nhiều rủi ro, làm tăng nguy cơ bị viêm nhiễm phụ khoa.

Các mẹ có thể lựa chọn các loại băng vệ sinh dành riêng cho sản phụ sau sinh. Loại băng này sẽ có kết cấu dày hơn, thấm hút tốt, chống tràn hai bên và giúp các mẹ cảm thấy thoải mái hơn so với các loại băng thông thường.

RỐI LOẠN KINH NGUYỆT SAU SINH – KHI NÀO THÌ NÊN ĐI KHÁM BÁC SĨ?

Sau khi sinh con, cơ thể sản phụ sẽ phải mất một khoảng thời gian để hồi phục và kinh nguyệt trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu sau 1 – 2 năm khi sinh con xong mà các mẹ vẫn không thấy có kinh trở lại hoặc xuất hiện các dấu hiệu bất thường dưới đây thì các mẹ cần nhanh chóng đi đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám:

  1. Kinh nguyệt không đều, có tháng có tháng không.
  2. Thời gian ra máu hành kinh ít hơn 3 ngày hoặc dài hơn 7 ngày, kinh nguyệt vón cục, có màu sắc và mùi hôi bất thường.
  3. Lượng máu kinh chảy ra quá ít hoặc quá nhiều.
  4. Đau bụng dưới dữ dội kéo dài từ 3 – 7 ngày liên tục.
  5. Vùng kín bị đau rát, ngứa ngáy và chảy máu bất thường.

Trên đây là những thông tin giải đáp cho băn khoăn: Sau sinh bao lâu thì có kinh nguyệt trở lại ? Nếu như còn bất cứ thắc mắc nào, các bạn vui lòng để lại bình luận.

Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Xin cám ơn!

Để lại một bình luận