Xin Chào! Chào mừng bạn đến với Hoàn Mỹ Breast Care chuyên trang dinh dưỡng tư vấn ăn uống đúng cách an toàn.
272 lượt xem

Thai 5 tuần tuổi đã có phôi thai chưa?

Thai 5 tuần tuổi đã có phôi thai chưa là thắc mắc của rất nhiều mẹ bầu ở giai đoạn đầu trong quá trình mang thai, đặc biệt là đối với những mẹ mới mang thai lần đầu tiên. Bởi mọi thay đổi trong thai kỳ đều khiến mẹ bất an và lo lắng. Thấu hiểu được tâm lý này, bài viết hôm nay Blog sức khoẻ Hoàn Mỹ Breast Care sẽ chia sẻ những nội dung chi tiết giúp mẹ bầu giải đáp băn khoăn trên.

THAI 5 TUỔI ĐÃ CÓ PHÔI THAI CHƯA?

+ Tìm hiểu về phôi thai

Phôi thai là bộ phận được hình thành từ trứng và tinh trùng kết hợp với nhau tạo ra noãn hoàng và sau đó các tế bào lần lượt xuất hiện bên trong phôi cùng với sự phát triển và hình thành thai nhi. Phôi thai được xem như là một hạt giống giúp thai nhi dần hình thành trong bụng mẹ và phát triển khỏe mạnh mỗi ngày.

+ Giai đoạn hình thành phôi thai

Sau khi quan hệ tình dục, trứng của nữ giới và tinh trùng của nam giới sẽ thụ tinh thành công và bắt đầu quá trình tạo thành hợp tử. Sau khi quá trình thụ tinh diễn ra, trứng sẽ được gọi là phôi dâu và phôi dâu sẽ tiến về phía tử cung của nữ giới sau đó bắt đầu quá trình phân chia tế bào và phát triển thành phôi nang. Phôi nang lúc này sẽ được gắn vào lớp niêm mạc trong tử cung và được chia thành 2 nhóm tế bào: 1 nhóm tế bào ở ngoài sẽ phát triển não nên nhau thai, còn nhóm tế bào bên trong sẽ phát triển thành phôi thai. Quá trình này sẽ diễn ra trong khoảng 9 -10 ngày kể từ khi bắt đầu thụ thai thành công.

+ Thai 5 tuần tuổi đã có phôi thai chưa?

Các chuyên gia, bác sĩ sản khoa cho biết thông thường vào khoảng tuần thứ 5 của thai kỳ, tức là sau khi chị em phụ nữ bị chậm kinh khoảng 1 tuần thì nồng độ HCG đạt chuẩn và chị em có thể nhìn thấy phôi thai thông qua siêu âm.

Tuy nhiên, có một số trường hợp đi siêu âm thai 5 tuần tuổi chưa thấy phôi thai thì mẹ bầu cũng đừng lo lắng quá bởi phôi thai lúc này có kích thước rất nhỏ – chỉ khoảng 2mm nên mẹ chỉ thường thấy được túi noãn hoàng và túi thai khi tiến hành siêu âm. Nếu sức khỏe của mẹ bầu tốt và thai nhi phát triển nhanh thì bác sĩ siêu âm có thể dễ dàng thấy được phôi thai là một vật thể cuộn tròn nhỏ màu trắng trong bụng mẹ. Bao quanh phôi thai là túi noãn hoàng với nhiệm vụ nuôi dưỡng phôi thai cũng như giúp kích thích sản xuất các tế bào máu trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Túi thai bao quanh túi noãn hoàng và chứa nước ối và bao quanh phôi thai. Mẹ có thể nhìn thấy hình ảnh túi thai khi siêu âm sớm nhất là từ 4 tuần rưỡi đến 5 tuần. Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia (the National Center for Biotechnology Information) cho biết túi thai bình thường có đường kính tăng 1,13 mm mỗi ngày và có đường kính ban đầu từ 2 đến 3 mm.

Khi nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường như cơn ốm nghén bất chợt biến mất, đau bụng râm ran và âm đạo tiết dịch hồng,… thì thai phụ nên đến ngay các cơ sở y tế, bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra, siêu âm nhằm hạn chế nguy cơ mẹ mang thai ngoài tử cung, sảy thai, thai chết lưu hoặc để xử lý bất thường kịp thời nếu có.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THAI NHI 5 TUẦN TUỔI

Thông thường, khi chị em phụ nữ trễ kinh 7 ngày và thử que thử thai báo 2 vạch, lúc này chị em đi siêu âm thai thường đã thấy sự xuất hiện của phôi thai trong buồng tử cung. Thai nhi ở tuần thứ 5 đã có sự tăng trưởng đáng kể về mặt kích thước, có chiều dài khoảng 6mm. Em bé đang phát triển nhanh chóng và các hệ thống cơ quan chính của cơ thể đang bắt đầu hình thành, đặc biệt là não và tim. Vào thời điểm này, phôi thai bé nhỏ trong bụng mẹ bắt đầu dài ra và mang dáng vẻ của một con nòng nọc, một phần nhờ vào sự phát triển của ống thần kinh cực kỳ quan trọng chạy từ trên xuống dưới của phôi. Ống thần kinh này sẽ dần dần phát triển để trở thành tủy sống và não. Thậm chí còn có một đốm sáng nhỏ ở trung tâm của phôi thai sẽ sớm phát triển thành trái tim của em bé.

Bên trong phôi thai, các tế bào đang tách thành ba lớp để hình thành các hệ thống cơ thể khác nhau:

  1. Ngoại bì hoặc lớp ngoài tử cung (lá phôi ngoài) đang bắt đầu hình thành hệ thống thần kinh, bao gồm não và tủy sống của bé. Đồng thời lớp này cũng sẽ tạo nên làn da, mái tóc và móng tay của thai nhi.
  2. Trung bì hoặc lớp giữa tử cung (lá phôi giữa) đang trở thành hệ thống tuần hoàn với sự phát triển của tim và máu của thai nhi. Lớp giữa này cũng sẽ phát triển thành xương, cơ và thận.
  3. Lớp nội bì hoặc lớp bên trong (lá phôi trong) cuối cùng sẽ trở thành phổi, ruột và gan của thai nhi.

CƠ THỂ MẸ BẦU THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO KHI MANG THAI 5 TUẦN TUỔI?

Nồng độ hormone thai kỳ hCG trong cơ thể chị em đang tăng lên và điều này không chỉ mang lại kết quả thử thai dương tính mà còn cả các triệu chứng mang thai sớm. Tuy nhiên, điều quan trọng chị em cần biết là một số trường hợp mang thai không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào và việc không có các triệu chứng không phản ánh sức khỏe và sự phát triển của em bé đang lớn của họ. Ngay cả việc mẹ bầu đã trải qua các triệu chứng trong lần mang thai trước cũng không thể đoán trước được mẹ sẽ cảm thấy như thế nào trong lần mang thai này.

Thai 5 tuần tuổi là giai đoạn mà mẹ bầu có thể nhận biết mình mang thai rõ ràng nhất. Cụ thể, cơ thể mẹ bầu có thể có những dấu hiệu sau khi mang thai 5 tuần tuổi:

  • Trễ kinh

Không có kinh nguyệt thường là một trong những dấu hiệu mang thai đầu tiên nhắc nhớ chị em nên dùng que thử thai. Việc sản xuất hormone progesterone tăng lên trong thời kỳ mang thai sẽ ngăn niêm mạc tử cung của nữ giới bong ra và từ đó giúp duy trì thai kỳ của bạn.

  • Thay đổi ở ngực

Ngực của chị em khi mang thai 5 tuần tuổi có thể cảm thấy mềm, ngứa ran hoặc có kích thước lớn hơn. Bên cạnh đó, bầu ngực và núm vú của mẹ cũng trở nên sẫm màu hơn. Mẹ bầu có nhiều khả năng gặp phải những thay đổi sớm ở ngực nếu chị em chú ý chúng trước kỳ kinh nguyệt.

  • Cơ thể mệt mỏi

Cơ thể phụ nữ mang thai 5 tuần tuổi đang phải làm việc chăm chỉ và đang trải qua nhiều thay đổi về thể chất lẫn cảm xúc để thích nghi với việc mang thai cũng như cung cấp đủ dinh dưỡng cho thai nhi. Do đó, việc cảm thấy mệt mỏi và cần chợp mắt là điều hoàn toàn bình thường khi mang thai. Các chuyên gia sản khoa cho biết cơ thể mệt mỏi được coi là một triệu chứng phổ biến trong giai đoạn đầu của thai kỳ.

  • Buồn nôn, ốm nghén

Buồn nôn, có hoặc không nôn, là một trong những triệu chứng khó chịu phổ biến nhất khi mang thai. Nguyên nhân chính xác gây ra hiện tượng ốm nghén vẫn chưa được xác định, nhưng các chuyên gia tin rằng sự gia tăng nhanh chóng của hormone thai kỳ có thể là “thủ phạm”. Ốm nghén là biểu hiện điển hình trong ba tháng thai kỳ đầu tiên và thậm chí nó có thể kéo dài lâu hơn. Và, mặc dù được gọi là ốm nghén nhưng cảm giác buồn nôn vẫn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong ngày.

  • Tăng tần suất đi tiểu

Đi tiểu thường xuyên là một hiện tượng phổ biến mẹ bầu thường gặp trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Những hormone thai kỳ làm tăng lưu lượng máu và chất lỏng trong cơ thể thai phụ và vì vậy, thận của mẹ bầu phải làm việc năng suất hơn để loại bỏ chất thải.

  • Thay đổi cảm xúc thất thường

Không có một cảm xúc hay cảm giác chung nào mà mọi phụ nữ mang thai đều trải qua và cảm xúc của mẹ bầu trong khi mang thai có thể thay đổi theo từng tuần hoặc thậm chí từng giờ. Việc mang thai có thể khiến cảm xúc của chị em trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Các chuyên gia cho biết phản ứng của mẹ bầu, dù tích cực, tiêu cực hay mâu thuẫn, đều là bình thường và mẹ thậm chí còn có thể làm chính mình ngạc nhiên bởi phản ứng của mình. Điều quan trọng nhất là chị em không nên cảm thấy tội lỗi về cảm xúc của mình.

MANG THAI 5 TUẦN TUỔI MẸ NÊN LÀM GÌ ĐỂ CÓ THAI KỲ KHỎE MẠNH?

5 tuần tuổi là giai đoạn đầu tiên của thai kỳ nên là thời điểm vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Do đó, để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh nhất, mẹ bầu cần nắm được một số lưu ý quan trọng sau đây:

  • Khám thai định kỳ

Khám thai sớm và theo đúng lịch khám mà bác sĩ chuyên khoa đã hẹn là một việc rất quan trọng giúp các bác sĩ có thể theo dõi sát sao quá trình mang thai và phát hiện các bất thường của mẹ và thai nhi để hạn chế tối đa các nguy cơ có thể xảy đến trong quá trình mang thai.

  • Bổ sung axit folic

Mẹ bầu nên tiếp tục bổ sung axit folic và vitamin khi mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu để giúp ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh, dị tật bẩm sinh và tim bẩm sinh cho thai nhi.

  • Hãy lựa chọn thực phẩm an toàn

Mẹ bầu không cần phải từ bỏ tất cả những món ăn yêu thích khi đang mang thai nhưng nên xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học khi mang thai. Đặc biệt mẹ lưu ý tránh ăn một số loại thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh và nhiễm trùng, gây nguy hiểm cho thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ như:

+ Phô mai chưa tiệt trùng.

+ Sữa hoặc nước trái cây thô hoặc chưa tiệt trùng.

+ Thịt, thịt gia cầm, hải sản và trứng còn sống hoặc chưa nấu chín.

+ Hải sản hun khói chưa nấu chín.

+ Cá chứa hàm lượng thủy ngân cao như: cá kiếm, cá ngói, cá mập, cá thu,…

  • Ghé thăm nha sĩ

Mẹ bầu nên cân nhắc đặt lịch hẹn với nha sĩ khi mang thai. Trên thực tế, Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, Hiệp hội Bác sĩ Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) và Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đều khuyến khích chị em phụ nữ đến gặp nha sĩ khi họ đang mang thai. Những thay đổi nội tiết tố có thể gây viêm nướu khi mang thai. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến nhiễm trùng nướu, nghiêm trọng hơn gọi là viêm nha chu và làm tăng khả năng sinh non.

  • Tránh nguy hiểm khi mang thai

Tránh xa các chất độc hại trong suốt thai kỳ là một trong những điều quan trọng mẹ cần làm, nhất là trong tam cá nguyệt đầu tiên . Trong giai đoạn phôi thai, các cơ quan và mô của bé đang phát triển. Do đó, đây là thời điểm nhạy cảm khi các tác động bên ngoài có thể ảnh hưởng đến các bộ phận cơ thể của bé khi chúng đang hình thành.

Chị em hãy nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa về bất kỳ đơn thuốc, thuốc không kê đơn hoặc thực phẩm chức năng nào mà chị em đang dùng. Bên cạnh đó, chị em cũng nên tránh sử dụng các chất có hại như rượu, bia, thuốc lá (bao gồm cả khói thuốc thụ động), ma túy,… cũng như các hoạt động nguy hiểm tiềm ẩn như ngồi trong bồn tắm nước nóng, đi tàu lượn siêu tốc hoặc xăm mình.

Nên Xem Thêm:

Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc Thai 5 tuần tuổi đã có phôi thai chưa? cùng những thông tin xoay quanh vấn đề này. Blog sức khoẻ Hoàn Mỹ Breast Care hy vọng hữu ích với bạn đọc. Mọi thắc mắc về vấn đề này, các bạn hãy vui lòng để lại bình luận

Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Xin cám ơn!