Mang thai là giai đoạn cơ thể người phụ nữ trở nên rất nhạy cảm, chỉ một sơ suất hay một va chạm nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Nhiều chị em thắc mắc rằng ngã xe có bị sảy thai không? Hãy cùng blog sức khoẻ Hoàn Mỹ Breast Care tìm hiểu chi tiết về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.
SẢY THAI LÀ GÌ?
Sảy thai hay còn được gọi là hư thai, là hiện tượng bị mất thai một cách tự nhiên trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Các chuyên gia đã thực hiện thống kê và cho thấy khoảng 10 – 20% phụ nữ mang thai phải chấm dứt thai kỳ vì bị sảy thai. Song trên thực tế, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn vì nhiều trường hợp chị em phụ nữ bị sảy thai quá sớm ngay trước khi chị em biết mình đang mang thai.
Tuy nhiên, may mắn là sảy phôi thai không đồng nghĩa với việc bạn không thể tiếp tục quá trình mang thai được nữa. Thống kê cho kết quả rằng có tới 87% phụ nữ bị sảy thai có khả năng tiếp tục cấn bầu và sinh con đủ tháng và chỉ có khoảng 1% phụ nữ bị sảy thai từ ba lần trở lên.
Các kiểu sảy thai
Theo y học, sảy thai được chia thành nhiều kiểu khác nhau. Bác sĩ chuyên khoa sẽ chẩn đoán tình trạng sảy thai tùy thuộc vào các triệu chứng và giai đoạn mang thai của chị em, thuộc một trong các kiểu sau:
- Sảy thai hoàn toàn: Đây là hiện tượng tất cả các mô thai đã bị tống xuất ra khỏi cơ thể phụ nữ mang thai.
- Sảy thai không hoàn toàn: Cơ thể mẹ bầu đã giải phóng các mô bào thai nhưng không triệt để mà vẫn còn sót lại một số mô trong tử cung.
- Sảy thai lỡ: Hiện tượng này xảy ra khi phôi thai đã chết nhưng trong tử cung của mẹ vẫn còn nhau thai và mô phôi. Hầu hết các trường hợp chị em bị sảy thai lỡ đều không biết mình đã bị sảy thai cho đến khi đi siêu âm và tình cờ được bác sĩ phát hiện.
- Dọa sảy thai: Khi gặp phải hiện tượng này, cổ tử cung của mẹ bầu không giãn ra nhưng mẹ lại bị chảy máu bất thường. Trong trường hợp này, nếu chị em được phát hiện và can thiệp y tế kịp thời thì có thể vẫn giữ được thai nhi an toàn và thai kỳ của bạn vẫn sẽ tiếp tục.
- Sảy thai do nhiễm trùng: Khi các mô thai không được thải ra bên ngoài tử cung một cách hoàn toàn, chị em có thể gặp phải tình trạng nhiễm trùng tử cung dẫn tới hiện tượng sảy thai do nhiễm trùng.
NGÃ XE CÓ BỊ SẢY THAI KHÔNG?
Nghiên cứu chỉ ra rằng có tới 27% phụ nữ mang thai bị ngã trong thai kỳ và may mắn là cơ thể có những cơ chế tự nhiên để tự bảo vệ trước những chấn thương như sự đệm đỡ của buồng ối hay các cơ tử cung khỏe mạnh.
Ngã xe là một chấn thương không chủ ý và là một sự kiện không mong muốn, có thể xảy ra với bất kỳ ai, dẫn đến bị thương hoặc chết người. Tuy nhiên, ngã xe đối với phụ nữ mang thai có phần rủi ro, nguy hiểm hơn cho bản thân và đứa con chưa sinh của họ.
Trả lời cho câu hỏi “Ngã xe có bị sảy thai không?”, các chuyên gia, bác sĩ Sản khoa cho biết không thể ngoại trừ khả năng này. Thai nhi được bảo vệ bởi tử cung, nước ối, nhau thai và các cấu trúc khác của khoang bụng mẹ bầu. Những cấu trúc này được thiết kế một cách đặc biệt để bảo vệ thai nhi khỏi chấn thương nhẹ. Do đó, trong trường hợp bị ngã xe, tai nạn nhẹ, cơ thể người mẹ hoàn toàn có thể bảo vệ thai nhi và không để con bị tổn thương do va chạm. Tuy nhiên, nếu bị ngã xe, tai nạn nghiêm trọng, cơ thể mẹ bầu phải chịu những lực tác động rất mạnh và dẫn đến hậu quả không mong muốn là sảy thai.
Bên cạnh đó, ngã xe, tai nạn có thể gây ra một số nguy cơ cho mẹ bầu như:
Sinh non: Đây là hiện tượng em bé chào đời khi chưa đủ 37 tuần thai kỳ. Các nghiên cứu đã phát hiện tỷ lệ sinh non cao trong số các nạn nhân bị tai nạn ô tô và một số tai nạn khác.
Nhau bong non: Hiện tượng này không xảy ra phổ biến nhưng rất nguy hiểm. Các chuyên gia cho rằng chấn thương do ngã xe khi mang thai có thể làm tăng khả năng bị nhau bong non. Nhau thai là cơ quan có vai trò trao đổi oxy, chất dinh dưỡng và chất thải giữa cơ thể người mẹ và thai nhi. Khi nhau bong non sẽ gây cản trở việc cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi, dẫn đến việc thai bị tử vong. Một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Dịch tễ học (Mỹ) cho thấy tỷ lệ tử vong ở tất cả các ca sinh là 8.2 trên 1.000, tuy nhiên đối với các trường hợp nhau bong non, tỷ lệ tử vong là rất cao – 119 trên 1.000.
Vỡ tử cung: Khi mang thai, tử cung của chị em thường to ra nên dễ bị chấn thương do tai nạn hơn. Vỡ tử cung là tình trạng đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ cao gây tử vong cho mẹ và thai nhi (tỷ lệ tử vong ở thai nhi gần như tuyệt đối 100%, còn của mẹ là 10%). Lúc này, mẹ cần được cấp cứu để xử lý càng sớm càng tốt.
Xếp loại thai kỳ có nguy cơ cao: Khi mẹ mang thai bị tai nạn ngã xe, thai kỳ này sẽ được bác sĩ xếp vào loại thai kỳ nguy cơ cao. Thai phụ cần được theo dõi sát sao. Tăng chăm sóc y tế và tăng chi phí.
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người mẹ, việc mẹ bầu bị tai nạn, ngã xe trong thai kỳ cũng có thể khiến con trẻ gặp nhiều nguy hiểm như:
Thai nhi gặp chấn thương: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chấn thương trực tiếp của thai nhi tuy không phổ biến và không gặp thường xuyên nhưng có thể để lại hậu quả khá nghiêm trọng sau tai nạn. Chấn thương phần đầu là thường gặp nhất khi thai phụ bị tai nạn, ngã xe vì đầu là phần lớn nhất của thai nhi. Nhiều trường hợp thai nhi bị chấn thương đầu trực tiếp được bác sĩ cảnh báo là có tiên lượng xấu. Các chuyên gia cho rằng chấn thương ở đầu của thai nhi trong một vụ tai nạn tương tự như hội chứng rung lắc trẻ em. Não của thai nhi có thể bị hất về phía trước và đập vào phía trước hộp sọ rồi lại bị hất ra sau và đập vào mặt sau của hộp sọ. Điều này khiến não của thai nhi bị tổn thương nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong.
Khuyết tật bẩm sinh: Ngã xe, tai nạn có thể dẫn đến khuyết tật bẩm sinh do chấn thương trực tiếp ở thai nhi hoặc sinh non. Một nghiên cứu được báo cáo trên Tạp chí Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em cho thấy hiện tượng khuyết tật bẩm sinh ở trẻ sinh non (31 đến 36 tuần tuổi) cao gấp 2 lần so với sinh đủ tháng (37 đến 41 tuần tuổi). Trẻ bị khuyết tật bẩm sinh sẽ dẫn đến tình trạng cha mẹ phải tốn nhiều chi phí chăm sóc y tế và các dịch vụ phục hồi chức năng cho trẻ hơn. Bên cạnh đó,đứa trẻ này thường kém phát triển về thể chất và tinh thần, thậm chí có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của bố mẹ và hạnh phúc gia đình.
Trẻ bị sinh non tháng: Ngã xe có thể khiến trẻ bị sinh non tháng và việc này ảnh hưởng đến sức khỏe và sự sống còn của bé. Trẻ sinh non tháng có nguy cơ cao mắc các bệnh lý như: bệnh lý võng mạc, thính giác, bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nhiễm trùng sơ sinh… gây ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng phát triển sau này của trẻ.
MẸ BẦU CẦN LÀM GÌ KHI BỊ NGÃ XE KHI MANG THAI?
Nếu đang trong thời kỳ mang thai và chẳng may chị em bị ngã hoặc gặp một tai nạn giao thông nhẹ, chị em nên gọi cho bác sĩ hoặc chủ động đi thăm khám bác sĩ sớm nhất có thể để thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm cần thiết nhằm xác định sự an toàn của thai nhi và sức khỏe bản thân. Điều này đặc biệt cần thiết nếu mẹ bầu đang trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba.
Nếu việc ngã xe khiến chị em bị đau bụng hoặc đau lưng, chuột rút, đau đầu chóng mặt, xuất hiện các cơn co thắt tử cung, không cảm nhận được sự chuyển động của thai nhi trong bụng, thấy xuất hiện dấu hiệu của vỡ ối hoặc thấy máu hoặc dịch tiết bất thường nào từ âm đạo, hãy gọi bác sĩ ngay lập tức và đi thẳng đến phòng cấp cứu của bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín gần nhất.
Trong trường hợp chị em bị ngã xe tương đối nghiêm trọng và có dấu hiệu chấn thương, bác sĩ chuyên sản khoa có thể chỉ định chị em thực hiện một số xét nghiệm sau:
- Thực hiện chụp X-quang để kiểm tra xương có bị gãy hay không.
- Thực hiện siêu âm để theo dõi nhịp tim của thai nhi và kiểm tra vị trí của em bé.
- Thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng sức khỏe của cả mẹ và bé.
- Thực hiện xét nghiệm nước tiểu để đảm bảo sức khỏe thai kỳ ổn định.
Nếu có vấn đề gì bất thường, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu thai phụ nằm viện khoảng 1 ngày để theo dõi thêm do có một số triệu chứng cảnh báo tình trạng nguy hiểm không xuất hiện ngay sau khi phụ nữ mang thai bị ngã.
CÁC CÁCH PHÒNG TRÁNH BỊ TÉ NGÃ KHI MANG THAI HIỆU QUẢ
Để phòng tránh tai nạn bị ngã khi mang thai, các chuyên gia, bác sĩ sản khoa khuyên mẹ bầu nên:
- Bám vào thanh vịn để hạn chế té ngã khi đi thang bộ hoặc thang máy.
- Chị em nên tìm kiếm sự giúp đỡ và vịn vào người thân hoặc bạn bè lúc đi lại trên bề mặt trơn trượt hay gồ ghề.
- Dành thời gian nghỉ ngơi sau khi vận động và đảm bảo nghỉ ngơi đầy đủ để không bị mệt mỏi.
- Ngâm chân nước nóng và muối đá thường xuyên để giúp làm dịu cảm giác căng thẳng các cơ bắp và phòng ngừa tình trạng viêm.
- Tại phòng tắm và các khu vực khác có bề mặt ướt, chị em nên sử dụng băng chống trượt hoặc thảm chống trượt.
- Tránh tuyệt đối mang vác vật nặng trong khi mang thai.
- Chú ý quan sát cẩn trọng khi đi bộ.
- Hạn chế sử dụng cầu thang bộ quá nhiều.
- Nhờ chồng hoặc người thân xoa bóp, massage bàn chân hàng ngày để giúp thư giãn cơ bắp.
- Chị em hãy thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu và huyết áp. Dành thời gian nghỉ ngơi nếu đường huyết đang bị hạ thấp và nên ăn một thứ gì đó để bổ sung năng lượng trước khi đi bộ hay vận động tiếp.
Trên đây là những thông tin chia sẻ giải đắp thắc mắc ngã xe có bị sảy thai không?.. Blog sức khoẻ Hoàn Mỹ Breast Care hy vọng hữu ích với bạn đọc. Mọi thắc mắc về vấn đề này, bạn vui lòng để lại bình luận.
Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Xin cám ơn!