Xin Chào! Chào mừng bạn đến với Hoàn Mỹ Breast Care chuyên trang dinh dưỡng tư vấn ăn uống đúng cách an toàn.
366 lượt xem

Thai 10 tuần bị ra máu có sao không?

Trong giai đoạn mang thai, bất kỳ vấn đề bất thường nào xảy ra cũng đều khiến cho các mẹ bầu cảm thấy hoang mang, lo lắng, đặc biệt là tình trạng ra máu âm đạo bất thường. Vậy mang thai 10 tuần bị ra máu có sao không? Nguyên nhân và cách xử lý tình trạng này như thế nào? Một số chia sẻ cụ thể từ Blog sức khoẻ Hoàn Mỹ Breast Care ở bài viết dưới đây sẽ giúp các chị em giải đáp những băn khoăn về vấn đề này !

MANG THAI 10 TUẦN BỊ RA MÁU CÓ SAO KHÔNG?

Chảy máu âm đạo khi mang thai là một hiện tượng khá phổ biến. Theo Thống kê cho thấy, có khoảng từ 20 – 30 % thai phụ gặp phải tình trạng ra máu trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Triệu chứng ra máu âm đạo có thể xuất hiện sau khi có sang chấn hoặc xảy ra một cách tự nhiên, không liên quan đến bất kỳ yếu tố nào. Tình trạng ra máu có thể đi kèm cùng với các triệu chứng khác như: Đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội từng cơn, đau thắt lưng, chuột rút, sốt, ớn lạnh,…

Tình trạng ra máu âm đạo khi mang thai 10 tuần ở dạng các đốm máu nhỏ màu nâu hoặc hơi hồng thì rất có thể đây là máu báo thai. Sau quá trình thụ tinh, phôi thai sẽ được hình thành và di chuyển về tử cung để làm tổ. Trong quá trình phôi thai cấy vào niêm mạc tử cung để làm tổ sẽ có thể khiến lớp niêm mạc bị tổn thương và chảy ra một chút máu. Thông thường, lượng máu báo thai chảy ra rất ít, nhỏ giọt, có màu hồng nhạt hoặc nâu, kéo dài khoảng vài giờ đến vài ngày chứ không chảy nhiều như máu kinh nguyệt.

Ngoài ra, khi mang thai, lưu lượng máu đến tử cung của mẹ bầu tăng lên, sẽ khiến cho vùng cổ tử cung trở nên nhạy cảm hơn, dễ bị tổn thương, chảy máu khi có các tác động mạnh, đặc biệt là khi quan hệ tình dục hoặc khám phụ khoa. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, tình trạng ra máu sẽ giảm dần và tự hết sau một vài giờ, nên các chị em không cần quá lo lắng.

Bên cạnh các nguyên nhân trên, thì tình trạng chảy máu âm đạo khi mang thai cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các biến chứng thai kỳ nguy hiểm. Do đó, thai phụ khi thấy tình trạng ra máu âm đạo kéo dài nhiều ngày, không thuyên giảm đi kèm cùng với các biểu hiện bất thường khác như: Đau bụng dữ dội, đau thắt lưng, sốt cao, ớn lạnh,…thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý kịp thời.

BỊ RA MÁU KHI MANG THAI 10 TUẦN NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?

Tình trạng thai phụ bị ra máu nhiều, kéo dài khi mang thai 10 tuần có thể là dấu hiệu cảnh báo những biến chứng nguy hiểm dưới đây:

  • Sảy thai

Một trong những nguyên nhân nguy hiểm hàng đầu khiến phụ nữ mang thai 10 tuần bị ra máu đó chính là sảy thai. Đây là hiện tượng thai bị mất trước tuần thứ 20 của thai kỳ.

Phần lớn các trường hợp bị sảy thai được xác định là những bất thường nhiễm sắc thể ở cơ thể thai nhi. Dấu hiệu phổ biến nhất của tình trạng sảy thai đó là chảy máu âm đạo, máu có thể biến đổi từ đốm, dịch màu nâu đến chảy máu nặng. Đi kèm với các triệu chứng bất thường khác như: Đau bụng dữ dội, chuột rút, mất các dấu hiệu thai nghén (như: Buồn nôn, sưng đau ngực,…).

  • Mang thai ngoài tử cung

Mang thai ngoài tử cung là tình trạng trứng sau khi được thụ tinh không làm tổ trong buồng tử cung mà lại phát triển ở các vị trí khác như: ống dẫn trứng, buồng trứng, cổ tử cung, ổ bụng,…

Đây là một biến chứng sản khoa vô cùng nguy hiểm, bởi nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, khối thai sẽ phát triển ngày càng lớn hơn và bị vỡ ra, gây chảy máu ồ ạt tràn vào ổ bụng, đe dọa đến tính mạng của thai phụ.

Những thai phụ bị chửa ngoài tử cung sẽ thấy có các dấu hiệu như: Đau bụng dưới, đau vùng chậu, chảy máu âm đạo rả rích nhiều lần trong ngày, máu có màu đỏ thẫm,… Khi túi thai bị vỡ ra, các mẹ sẽ cảm thấy đau bụng dữ dội, đột ngột, chân tay bủn rủn, đồ mồ hôi, hoa mắt, chóng mặt, thậm chí là bị ngất xỉu.

Khi thấy xuất hiện những triệu chứng bất thường này, các mẹ cần đi thăm khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán và có biện pháp xử kịp thời, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của thai phụ.

  • Các bệnh viêm nhiễm phụ khoa

Khi mang thai, sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể mẹ bầu có thể sẽ làm mất cân bằng độ pH trong môi trường âm đạo. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại tác nhân gây hại như: Vi khuẩn, virus, nấm,…phát triển mạnh và gây ra các bệnh viêm nhiễm phụ khoa như: Viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, viêm vùng chậu,…

Khi mắc các bệnh này, thai phụ sẽ có thể thấy xuất hiện triệu chứng âm đạo ra máu lốm đốm hoặc ra máu nhẹ có màu hồng, đỏ. Đi kèm với các biểu hiện khác như: Ngứa ngáy, đau rát âm đạo, đau bụng dưới, khí hư tiết ra nhiều, có màu sắc bất thường và mùi hôi khó chịu, tiểu buốt, tiểu nóng rát,…

  • Chửa trứng

Chảy máu khi mang thai 10 tuần có thể xuất phát từ tình trạng chửa trứng ( thai trứng). Đây là tình trạng một phần hay toàn bộ gai nhau bị thoái hóa, phù nề tạo thành những túi dịch dính vào nhau giống như chùm nho.

Đây là một tình trạng hiếm gặp với tỷ lệ gặp phải là 1/1000 phụ nữ mang thai. Khi gặp phải hiện tượng thai trứng, thai phụ sẽ thấy có các dấu hiệu như:

  1. Ra máu âm đạo, máu thường loãng, có màu đỏ tươi đến nâu sẫm.
  2. Buồn nôn và nôn nhiều, kéo dài.
  3. Đau trằn, nặng ở vùng bụng dưới.
  4. Tăng huyết áp, tăng protein niệu.
  5. Tử cung to ra nhanh hơn so với tuổi thai.
  6. Thấy có các nang nước giống như những quả nho thoát ra khỏi âm đạo.

MANG THAI 10 TUẦN BỊ RA MÁU CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Theo bác sĩ CKI Sản phụ khoa Hà Thị Huệ cho biết, mức độ nguy hiểm của tình trạng ra máu âm đạo khi mang thai 10 tuần sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra.Trong trường hợp mẹ bầu bị ra máu do tác động của việc khám âm đạo, quan hệ tình dục hoặc do trứng làm tổ trong tử cung thì các mẹ không cần quá lo lắng. Thông thường, tình trạng ra máu này sẽ chỉ kéo dài 1 vài ngày rồi sau đó sẽ tự hết.

Tuy nhiên, đối với các trường hợp mang thai 10 tuần bị ra máu do các biến chứng thai kỳ như: Sảy thai, mang thai ngoài tử cung hay bị viêm nhiễm phụ khoa thì sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt, tình trạng mang thai ngoài tử cung nếu không được can thiệp xử lý kịp thời thì túi thai có thể bị vỡ ra, gây chảy máu tràn vào ổ bụng, thai phụ có thể bị choáng và thậm chí tử vong.

MẸ BẦU CẦN PHẢI LÀM GÌ KHI BỊ RA MÁU?

Khi thấy có dấu hiệu ra máu âm đạo, các mẹ cần chú ý theo dõi các đặc điểm, lượng máu chảy ra và thời gian xuất hiện triệu chứng. Nếu lượng máu chảy ra ít, nhỏ giọt, chỉ xuất hiện 1 vài ngày rồi tự hết thì các mẹ không cần phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu lượng máu chảy ra ồ ạt, liên tục trong một khoảng thời gian, đặc biệt là đi kèm với các biểu hiện bất thường khác (như: Đau bụng dưới, chuột rút, sốt cao,…) thì các mẹ nên đi thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Thông thường, các bác sĩ căn cứ vào từng nguyên nhân, mức độ bệnh lý và tình trạng sức khỏe của từng thai phụ để đưa ra biện pháp xử lý thích hợp nhất.

  1. Đối với những thai phụ bị sảy thai: Nếu sau khi sảy thai, không còn mô thai sót lại trong tử cung thì thai phụ sẽ không cần phải điều trị. Tuy nhiên, trong trường hợp vẫn còn một số mô thai sót lại trong tử cung, thì bác sĩ sẽ chỉ định thai phụ sử dụng thuốc hoặc thực hiện thủ thuật để loại bỏ hoàn toàn mô thai ra ngoài.
  2. Đối với những trường hợp bị mang thai ngoài tử cung: Nếu khối thai có kích thước nhỏ, chưa bị vỡ thì các bác sĩ sẽ tiến hành tiêm thuốc để giúp khối thai tự tiêu biến. Đối với các khối thai đã phát triển lớn (trên 3 cm) thì các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở bụng để loại bỏ khối thai.
  3. Đối với các thai phụ bị viêm nhiễm phụ khoa: Các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng viên đặt phụ khoa hoặc thuốc bôi tại chỗ để làm giảm nhanh các triệu chứng khó chịu. Các loại thuốc này sẽ cho tác dụng nhanh tại chỗ, ít được hấp thu qua đường toàn thân nên sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi.
  4. Đối với những thai phụ bị chửa trứng: Phần lớn các trường hợp bị thai trứng đều sẽ tự hết. Trong những trường hợp này, các nang giống như những quả nho sẽ thoát ra khỏi tử cung và âm đạo một cách tự nhiên. Tuy nhiên, nếu túi thai trứng quá lớn thì các bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật nong và nạo thai trứng để loại bỏ tất cả các mô bất thường ra khỏi tử cung.

LÀM SAO ĐỂ PHÒNG NGỪA TÌNH TRẠNG RA MÁU KHI MANG THAI?

Tình trạng ra máu khi mang thai có thể được phòng ngừa hiệu quả nhất khi mẹ bầu chủ động đi thăm khám thai định kỳ. Mỗi mốc khám thai đều rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi, giúp phát hiện sớm các vấn đề bất thường và có hướng xử lý kịp thời. Chính vì thế, các mẹ bầu cần đi khám thai đầy đủ và đúng theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, các mẹ bầu cần chú ý nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ cũng như xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đủ chất để có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.

Nên Xem Thêm:

Trên đây là những thông tin giải đáp về băn khoăn: Mang thai 10 tuần bị ra máu có sao không? Blog sức khoẻ Hoàn Mỹ Breast Care hy vọng sẽ hữu ích với bạn đọc. Nếu như còn bất cứ thắc mắc nào, các bạn vui lòng để lại bình luận

Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Xin cám ơn!