Xin Chào! Blog Hoàn Mỹ cập nhật kiến thức sức khoẻ A - Z
280 lượt xem

Thai 12 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Thai nhi 12 tuần tuổi là một dấu mốc quan trọng, khi đó mẹ bầu đang sắp bước qua thời kỳ tam cá nguyệt đầu tiên. Lúc này, em bé đã hình thành đầy đủ các bộ phận, hệ cơ quan trong cơ thể. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết được thai 12 tuần tuổi phát triển như thế nào cũng như sự thay đổi của mẹ bầu trong tháng thứ 3 của thai kỳ!

THAI 12 TUẦN TUỔI PHÁT TRIỂN NHƯ THẾ NÀO?

Khi đạt 12 tuần tuổi, thai nhi sẽ nặng gần 15 gram và có chiều dài đầu mông khoảng 5.5 cm, tương đương với một quả chanh ta. Lúc này, hầu hết các hệ cơ quan của thai nhi đã được hình thành đầy đủ, mặc dù chúng còn cần phải trải qua quá trình hoàn thiện để có thể hoạt động với đầy đủ chức năng. Cụ thể như:

–     Hệ ruột của thai nhi đã phát triển tương đối hoàn chỉnh, các nhu động đầu tiên đã xuất hiện.

–     Thận cũng đã bắt đầu hoạt động, thực hiện chức năng lọc và đào thải các chất dư thừa dưới dạng nước tiểu.

–     Các tế bào thần kinh và khớp thần kinh đang phát triển nhanh chóng trong não của bé.

–     Tủy xương đã bắt đầu sản sinh ra bạch cầu – hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại.

–     Bước phát triển đáng chú ý nhất của thai 12 tuần tuổi đó chính là các phản xạ. Các ngón tay của bé đã có thể co duỗi, ngón chân có thể cong vểnh lên và miệng của bé đã có phản xạ mút. Trên thực tế, nếu mẹ thực hiện động tác gõ nhẹ vào bụng thì bé sẽ có phản ứng ngọ nguậy. Tuy nhiên, những cử động này khá nhẹ nên các mẹ khó có thể cảm nhận được chúng.

–     Thay vì đầu và thân mình gắn liền với nhau như trước thì ở thời điểm này, phần cổ của em bé đã được hình thành rõ ràng, nối giữa đầu và thân mình.

–     Khuôn mặt của thai nhi lúc này cũng đã trông rõ ràng hơn, gần giống như người bình thường. Hai mắt của bé đã di chuyển từ hai bên lên mặt trước của đầu và tai cũng đã vào đúng vị trí.

–     Tại thời điểm này, các mẹ đã có thể nghe được rõ nhịp tim thai thông qua việc siêu âm. Nhịp tim thai 12 tuần tuổi thường sẽ nhanh hơn gấp đôi so với người lớn.

CƠ THỂ MẸ BẦU THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO Ở TUẦN THỨ 12?

Ở tuần thai thứ 12, mẹ bầu sẽ có những sự thay đổi nhất định cả về thể chất lẫn tâm lý. Cụ thể như:

+ Những thay đổi về thể chất của phụ nữ mang thai 12 tuần:

–     Ở thời điểm này, nồng độ nội tiết tố trong cơ thể mẹ bầu đã dần ổn định nên các triệu chứng ốm nghén sẽ giảm bớt hơn.

–     Thân hình của các mẹ bầu lúc này đã đầy đặn hơn và phần bụng có thể to hơn một chút.

–     Các mẹ có thể cảm thấy ấm hơn do sự gia tăng lưu lượng máu trong cơ thể. Hệ tim mạch đang phải hoạt động mạnh mẽ để đảm bảo cung cấp đủ oxy cho cả mẹ và thai nhi.

–     Ngoài ra, các mẹ bầu cũng có thể gặp phải triệu chứng ợ nóng, ợ chua do hàm lượng hormone progesterone tăng cao khi mang thai, làm giãn van dạ dày, khiến axit trào vào thực quản.

–     Khi đến tuần 12 của thai kỳ, các mẹ sẽ thấy âm đạo ra nhiều khí hư. Tuy nhiên, đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường ở phụ nữ mang thai, các mẹ không cần quá lo lắng.

+ Những thay đổi về mặt cảm xúc:

Khi thấy cơ thể mình bị tăng cân và trở nên đầy đặn hơn, nhiều mẹ bầu thường có xu hướng lo lắng, tự ti về bản thân. Lúc này, người chồng nên ở bên cạnh động viên, an ủi vợ, giúp vợ cảm thấy thoải mái và lạc quan hơn. Ngoài ra, sự thay đổi hormone khi mang thai cũng sẽ khiến các mẹ bị thay đổi tâm trạng thất thường, trở nên nhạy cảm và dễ buồn chán, cáu gắt vô cớ.

KHÁM THAI 12 TUẦN BAO GỒM NHỮNG GÌ?

Khám thai 12 tuần là một cột mốc đặc biệt quan trọng đối với các mẹ bầu. Lần khám thai này sẽ giúp sàng lọc những dị tật ở thai nhi cũng như kiểm tra tình trạng sức khỏe của người mẹ.

Một số xét nghiệm mà các mẹ bầu cần phải thực hiện trong lần khám thai 12 tuần là:

  • Xét nghiệm máu

Việc thực hiện xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ phát hiện sớm các nguy cơ đái tháo đường, viêm gan B, thiếu máu hoặc các bệnh truyền nhiễm khác ở mẹ bầu. Từ đó, có thể chỉ định biện pháp điều trị kịp thời, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

  • Xét nghiệm nước tiểu

Thông qua kết quả xét nghiệm nước tiểu, các bác sĩ có thể phát hiện được các nguy cơ như: Mắc bệnh đái tháo đường, viêm đường tiết niệu, các vấn đề về thận và tiền sản giật ở thai phụ.

  • Xét nghiệm Rubella IgM và IgG

Xét nghiệm này được chỉ định thực hiện nhằm mục đích tìm ra các kháng thể Rubella IgG và Rubella IgM trong cơ thể mẹ bầu. Nếu thai phụ bị nhiễm Rubella trong giai đoạn 3 tháng đầu thì thai nhi sẽ có nguy cơ rất cao bị Rubella bẩm sinh với các biểu hiện như: Mù, điếc, tật não nhỏ,… Đặc biệt, nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh ở trẻ có thể lên đến 90%.

  • Xét nghiệm Double test

Khi khám thai 12 tuần, các mẹ sẽ được chỉ định thực hiện xét nghiệm Double test. Đây là một trong những xét nghiệm sàng lọc trước sinh thường quy, giúp phát hiện sớm các bệnh rối loạn nhiễm sắc thể ở thai nhi như: Hội chứng Down, Edward hoặc Patau. Nếu kết quả xét nghiệm Double test là có nguy cơ cao, thì bác sĩ sẽ chỉ định cho thai phụ làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu khác như: Xét nghiệm NIPT hoặc chọc ối,… để chẩn đoán chính xác về tình trạng của thai nhi.

  • Siêu âm thai 12 tuần

Tuần thứ 12 là thời điểm vàng để siêu âm đo độ mờ da gáy. Độ mờ da gáy là khoảng dịch tích tụ dưới da vùng sau gáy thai nhi. Nếu lớp dịch này tăng cao bất thường thì thai nhi sẽ có nguy cơ cao mắc hội chứng Down hoặc các hội chứng bất thường nhiễm sắc thể khác.

Nếu kết quả siêu âm đo độ mờ da gáy của thai nhi có bất thường, người mẹ sẽ được bác sĩ chỉ định làm thêm một số xét nghiệm khác để xác định chính xác xem liệu bé có mắc bệnh Down hay không.

Ngoài ra, ở lần siêu âm này, các bác sĩ còn tiến hành đo cân nặng, chiều dài của thai nhi. Từ đó, các bác sĩ có thể tư vấn cho mẹ bầu điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt sao cho hợp lý để em bé phát triển đạt chuẩn.

MẸ BẦU MANG THAI 12 TUẦN CẦN LƯU Ý NHỮNG ĐIỀU GÌ?

–     Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đảm bảo đầy đủ dưỡng chất. Đặc biệt, nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu chất đạm, sắt, axit folic và chất xơ để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.

–     Chú ý uống đủ từ 2 -5 lít nước một ngày, không nên uống một lượng lớn nước cùng một lúc mà nên chia thành nhiều ngụm nhỏ, uống thường xuyên trong ngày. Việc cung cấp đủ nước sẽ giúp mẹ bầu cảm thấy khỏe khoắn, dễ chịu, đầu óc tỉnh táo và minh mẫn hơn.

–     Thường xuyên tập các bài thể dục nhẹ nhàng, vừa sức như: Đi bộ, yoga, bơi lội,…để thúc đẩy lưu thông khí huyết, hạn chế tình trạng chuột rút, sưng phù chân, tay khi mang thai.

–     Vệ sinh vùng kín sạch sẽ và đúng cách để ngăn ngừa các bệnh lý viêm nhiễm.

MẸ BẦU NÊN ĂN GÌ TRONG 3 THÁNG ĐẦU?

3 tháng đầu của thai kỳ hay còn gọi là tam cá nguyệt thứ nhất, là giai đoạn thai nhi hình thành những cơ quan quan trọng trong cơ thể như: Tim mạch, tủy sống, não bộ, gan, phổi, … Trong giai đoạn này, thai nhi sẽ phát triển một cách nhanh chóng nhưng cũng rất dễ bị tổn thương. Để đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh, các mẹ nên tăng cường bổ sung những loại thực phẩm dưới đây vào thực đơn hàng ngày:

–     Thực phẩm giàu chất đạm: Các loại thịt là nguồn cung cấp chất đạm dồi dào, bao gồm: thịt đỏ (Thịt heo, thịt bò, thịt cừu,…) và thịt trắng ( thịt gia cầm, hải sản,…). Trong đó, thịt đỏ ngoài việc bổ sung thêm chất đạm còn giúp cung cấp các khoáng chất thiết yếu như sắt và kẽm, … giúp phòng ngừa tình trạng thiếu máu do thiếu sắt ở mẹ bầu. Còn thịt trắng thì giúp bổ sung các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin nhóm A, B, E, D, canxi, photpho,…để tăng cường sức khỏe cho mẹ và bé.

–     Cá hồi: Trong số các loại cá, cá hồi được biết đến là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Trong thịt cá hồi có chứa rất nhiều vitamin D, canxi và axit béo Omega – 3, giúp thúc đẩy sự phát triển hệ xương khớp, hệ thần kinh và trí não của thai nhi.

–     Các loại trái cây và rau xanh giàu vitamin C như: Cam, quýt, ổi, đu đủ, kiwi, xoài, cải xoăn, bông cải xanh, ớt chuông,…vừa giúp tăng cường khả năng hấp thu sắt, vừa nâng cao sức đề kháng, phòng chống mọi bệnh tật. Ngoài ra, trong rau xanh còn có chứa nhiều chất xơ, giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa, hạn chế tình trạng khó tiêu, táo bón.

–     Các thực phẩm giàu axit folic: Axit folic là một dưỡng chất quan trọng trong thai kỳ, giúp phòng ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Các loại thực phẩm giàu axit folic mà mẹ bầu nên bổ sung là: Măng tây, trái cây họ cam quýt, bông cải xanh, bắp cải, nấm, các loại đậu, ớt chuông, các loại ngũ cốc,…

–     Sữa chua: Sữa chua là một chế phẩm từ sữa, có chứa nhiều canxi, lợi khuẩn, giúp hệ tiêu hóa của mẹ bầu hoạt động tốt hơn, hạn chế tình trạng táo bón, khó tiêu. Đồng thời, tăng cường khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thức ăn.

Để đảm bảo thai nhi được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng và phát triển khỏe mạnh trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất, các mẹ bầu nên ăn đa dạng các loại thực phẩm. Đồng thời, nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, đặc biệt là khi mẹ bầu đang bị ốm nghén.

Trên đây là những thông tin về vấn đề thai 12 tuần tuổi phát triển như thế nào? Mọi băn khoăn về vấn đề này, các bạn hãy vui lòng để lại bình luận

Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Xin cám ơn!

Để lại một bình luận