Ở tuần thứ 5, mẹ bầu đang trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất và thai nhi lúc này chỉ nhỏ bằng một hạt mè. Trong tuần thai này, các bộ phận và cơ quan trong cơ thể bé sẽ dần hình thành và phát triển. Vậy cụ thể thai 5 tuần phát triển như thế nào? Những lưu ý dành cho các mẹ bầu mang thai 5 tuần là gì? Hãy cùng Blog sức khoẻ Hoàn Mỹ Breast Care tham khảo bài viết dưới đây để có câu trả lời cho các vấn đề này !
THAI 5 TUẦN PHÁT TRIỂN NHƯ THẾ NÀO?
Vậy thai 5 tuần phát triển như thế nào ? Bước sang tuần thứ 5 của thai kỳ, thai nhi đã lớn hơn khoảng 10.000 lần so với khi mới khi mới bắt đầu thụ thai. Lúc này, thai nhi đã dài khoảng 6 mm, cỡ bằng một hạt vừng và trông giống như một chú nòng nọc nhỏ.
Ở tuần thai thứ 5, hệ thần kinh và hệ tuần hoàn đã bắt đầu phân hóa, các cơ quan khác trong cơ thể cũng phát triển mạnh. Trong túi phôi cũng đã bắt đầu hình thành mầm phôi ba lá, bao gồm: Lá phôi ngoài, lá phôi giữa và lá phôi trong:
- Lá phôi ngoài: Các tế bào ở lá phôi ngoài sẽ phát triển thành hệ thống thần kinh,mắt, màng tai trong, tầng biểu bì, lông, tóc và móng.
- Lá phôi giữa: Các tế bào ở lá phôi giữa sẽ phát triển thành xương, cơ, thận, hệ bài tiết và mô liên kết hệ tuần hoàn.
- Lá phôi trong: Các tế bào ở lá phôi trong sẽ phân hóa thành hệ tiêu hóa, tuyến thể, các tổ chức thượng bì của hệ hô hấp, bàng quang, niệu đạo và tiền đình.
Một điểm nổi bật trong sự phát triển của thai nhi 5 tuần tuổi đó chính là sự hình thành hệ thống tuần hoàn từ mesoderm. Do đó, nhịp tim của bé đã xuất hiện ở tuần thai này và dao động trong khoảng từ 100 – 160 nhịp/phút, gấp đôi nhịp tim của người lớn. Ngoài ra, các đường nét trên khuôn mặt cũng bắt đầu rõ dần, phần đầu phía sau sẽ phát triển nhanh hơn phía trước. Phần lớn sự tăng trưởng của bé trong tuần thai này đều tập trung vào não bộ với khoảng 100 tế bào não mới được hình thành trong mỗi phút.
Chính vì vậy mà các mẹ bầu thường xuyên cảm thấy đói bụng hay cồn cào do nhu cầu năng lượng của cơ thể gia tăng để hỗ trợ cho sự phát triển cho thai nhi. Bên cạnh đó, các tuyến sinh dục của bé cũng đã bắt đầu hình thành, tuy nhiên vẫn còn quá sớm để có thể xác định được giới tính của thai nhi qua siêu âm. Để nhận biết chính xác thai nhi là trai hay gái, thì các mẹ cần phải chờ đến tuần thứ 18 – 20 của thai nhi. Lúc này, các bộ phận sinh dục của thai đã dần hoàn thiện nên sẽ thể hiện rõ ràng trên hình ảnh siêu âm.
Ngoài ra, ở tuần thai thứ 5, các cơ quan như: Tim mạch, hệ thần kinh và huyết quản của thai nhi rất dễ bị tổn thương nếu gặp tác động mạnh, dẫn đến các dị tật bẩm sinh. Do đó, các mẹ bầu cần hết sức cẩn trọng trong giai đoạn nhạy cảm này, đặc biệt không được tiếp xúc với các loại hóa chất, tia phóng xạ hoặc tia X – quang, không nên vận động mạnh, đi giày cao gót và không được sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
THAI 5 TUẦN TUỔI ĐÃ CÓ TIM THAI HAY CHƯA?
Như đã chia sẻ ở trên, ở tuần thứ 5, tim thai đã xuất hiện do hệ thống tuần hoàn từ mesoderm đã được hình thành. Thông qua nhịp tim thai, các bác sĩ có thể theo dõi và đánh giá tình trạng sức khỏe của bé.
Nếu siêu âm 5 tuần tuổi chưa thấy tim thai thì các mẹ cũng không nên quá lo lắng bởi sự phát triển của mỗi phôi thai sẽ khác nhau. Thông thường, nhịp tim thai sẽ xuất hiện rõ hơn ở tuần thứ 7 của thai kỳ.
Trong trường hợp thai nhi trên 8 tuần tuổi mà siêu âm vẫn chưa thấy có tim thai thì các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra chuyên sâu để xác định nguyên nhân. Nếu cơ thể mẹ bầu có những dấu hiệu bất thường như: Đau bụng dữ đội, ra máu âm đạo bất thường, các triệu chứng ốm nghén biến mất,…thì rất có thể đã xảy ra các biến chứng như: Sảy thai, thai chết lưu,…
SỰ THAY ĐỔI CỦA PHỤ NỮ MANG THAI 5 TUẦN
Ở tuần thai thứ 5, cơ thể mẹ bầu sẽ trải qua một số sự thay đổi như sau:
- Sự gia tăng hormone progesterone khi mang thai có thể làm thư giãn các cơ ở ruột và khiến quá trình tiêu hóa diễn ra chậm lại, từ đó dẫn đến chứng táo bón. Để cải thiện tình trạng này, các mẹ bầu cần chú ý uống nhiều nước và bổ sung thêm các thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn uống của mình.
- Các mẹ sẽ vẫn tiếp tục có các triệu chứng ốm nghén như khi mang thai 4 tuần. Cảm giác không thể chịu nổi một số loại thức ăn, tình trạng buồn nôn, nôn mửa có thể xuất hiện trong suốt cả ngày.
- Các mẹ có thể bị nổi mụn trứng cá trên da. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự gia tăng nồng độ nội tiết tố, khiến làn da của thai phụ tiết ra nhiều chất dầu nhờn hơn.
- Tâm trạng của thai phụ thay đổi thất thường. Đôi khi các mẹ sẽ cảm thấy phấn khích vui mừng, đôi lúc lại cảm thấy căng thẳng, buồn bã. Điều này là do sự thay đổi hormone khi mang thai.
- Thai 5 tuần bụng đã to chưa có lẽ là thắc mắc chung của rất nhiều mẹ bầu. Lúc này, thai nhi còn quá nhỏ, tử cung vẫn chưa được nâng lên khỏi vùng xương chậu nên phần bụng bầu vẫn chưa lộ rõ. Tuy nhiên, ở tuần thai thứ 5, các mẹ đã có thể cảm nhận được phần bụng có vẻ “dày” hơn trước một chút do tử cung và thai nhi đã phát triển thêm về kích thước.
- Các mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải và có thể ngủ gật mọi lúc (tại nơi làm việc, trước TV,…). Nguyên nhân của tình trạng này là do nồng độ hormone progesterone tăng vọt, lượng đường trong máu và huyết áp giảm, trong khi đó lưu lượng máu trong cơ thể lại tăng.
NHỮNG LƯU Ý CHO MẸ BẦU MANG THAI 5 TUẦN
Những tháng đầu tiên của thai kỳ là giai đoạn vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Để có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh và đảm bảo sự phát triển toàn diện của thai nhi, các mẹ nên thực hiện một số việc dưới đây:
- Nên đi khám thai sớm và đúng lịch. Việc khám thai định kỳ sẽ giúp các bác sĩ theo dõi tình trạng phát triển của thai nhi, đồng thời phát hiện sớm những bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Tránh tiêu thụ những loại thực phẩm như: Sữa chưa được tiệt trùng, thịt, cá, hải sản tái sống, chưa qua chế biến, các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao,.. Vì chúng có chứa các loại vi khuẩn, ký sinh trùng gây hại, có thể gây ngộ độc, dẫn tới nguy cơ sảy thai hoặc dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
- Nên đi giày đế thấp, bằng, có kích cỡ phù hợp, tránh đi giày cao gót vì sẽ dễ bị té ngã, gây nguy hiểm cho thai nhi.
- Tăng cường bổ sung axit folic trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên để phòng ngừa nguy cơ dị tật ống thần kinh hoặc bệnh tim bẩm sinh ở thai nhi. Một số loại thực phẩm giàu axit folic mà các mẹ bầu có thể tham khảo là: Bông cải xanh, bắp cải, nấm, ớt chuông, các loại đậu, chuối, cam, bưởi, cà chua,…
- Bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống hàng ngày và sử dụng viên uống tổng hợp.
- Không được tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả các loại thực phẩm chức năng khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.
- Tránh uống bia rượu, hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích khác. Những chất này sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi, thậm chí có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như: Sinh non, sảy thai, trẻ chậm phát triển,…
- Các mẹ không nên nằm, ngồi lâu một chỗ mà nên thường xuyên đi lại, vận động nhẹ nhàng để thúc đẩy lưu thông máu, hạn chế tình trạng chuột rút, phù chân khi mang thai.
Blog sức khoẻ Hoàn Mỹ Breast Care hy vọng với những thông tin chia sẻ ở bài viết trên đây, các chị em đã có câu trả lời cho riêng mình về vấn đề thai 5 tuần phát triển như thế nào? Mọi thắc mắc về vấn đề này, các bạn hãy vui lòng để lại bình luận
Miễn trừ trách nhiệm: Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Xin cám ơn!